Multimedia Đọc Báo in

Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Ea Đrơng, Cư M’gar) với nỗ lực duy trì sĩ số, vận động học sinh bỏ học đi học lại

11:07, 24/04/2011

Năm 2005, cô Lê Thị Tân đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, xã Ea Đrơng (Cư M’gar). Đây là một xã vùng II và nằm trong vùng giáo dục hết sức khó khăn bởi học sinh nơi đây đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Thách thức đầu tiên và trở ngại lớn đối với cô Tân chính là nhà trường có tới 14 em học sinh bỏ học (tỷ lệ này khá cao so với các trường khác trong huyện). Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều thiếu thốn khó khăn, đội ngũ giáo viên có gần 70% là người đồng bào dân tộc tại chỗ, năng lực không đồng đều và còn nhiều hạn chế.  Cô Lê Thị Tân trăn trở: “Với những khó khăn đó, phải làm thế nào để tuyên truyền, vận động được học sinh trở lại lớp? Làm sao để biến chuyển được nhận thức của những người dân vì mải mê với cuộc mưu sinh mà không quan tâm đến chuyện học của con em mình? Làm sao khi học sinh đến trường học tập được chăm sóc yêu thương, khi về nhà các bậc phụ huynh có thể nhận thấy sự chuyển biến rõ nét trong các em như: chăm chỉ học tập, biết giữ gìn vệ sinh, đi thưa-về chào, biết giữ gìn sách vở, chăm ngoan…”. Cô Tân quyết định, để làm được điều đó, nhà trường và đội ngũ sư phạm phải thay đổi.  Cô chỉ đạo “xốc lại” đội ngũ sư phạm, tổ chức một tập thể đoàn kết, ra sức duy trì số lượng học sinh đến lớp, đến trường với khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu”. Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân học sinh bỏ học mới thấy chủ yếu là những em có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu, một số em bị “mất gốc” từ những năm học trước đó, nên khả năng tiếp thu bài hạn chế, dẫn tới chán nản. Nhiều em còn chưa nói sõi tiếng Việt, học kém bị lưu ban, xấu hổ với bạn bè nên đã bỏ học… Trước tình trạng đó, các thầy, cô giáo nhà trường đã đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân và vận động phụ huynh cho con em tiếp tục đi học. Nhiều trường hợp gia đình khó khăn, giáo viên của nhà trường đã bỏ tiền lương để hỗ trợ về điều kiện vật chất, đỡ đần các công việc nhà cho gia đình phụ huynh. Đồng thời đội ngũ giáo viên nhà trường còn vận động nhau đăng ký nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Riêng cô hiệu trưởng Lê Thị Tân đã nhận đỡ đầu một học sinh bị khuyết tật từ lớp 1 đến lớp 5. Nhiều giáo viên trong trường đã tự nguyện quyên góp tiền để mua tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, xây dựng góp học tập ở nhà cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn tham mưu và tranh thủ sự đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất nên đến nay nhà trường cơ bản bảo đảm phòng học, có nhà công vụ, sân vui chơi cho học sinh, đáp ứng yêu cầu và mỹ quan, tạo cho học sinh tâm lý thoải mái “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.

Nhờ những cách làm trên,  trong những năm học gần đây, Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu đã duy trì tốt tỷ lệ học sinh đến trường, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học. Năm học 2010-2011, nhà trường có 14 lớp học với 295 học sinh, trong đó học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 99,6%. 100% học sinh đã được nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày. Trong học kỳ I vừa qua, toàn trường có 100% học sinh được xếp hạnh kiểm đầy đủ, 28% số học sinh được xếp học lực loại khá, giỏi. Có thể nói, đây chính là những thành quả của sự nỗ lực của cô hiệu trưởng Lê Thị Tân và đội ngũ sư phạm Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu.

 

Văn Sơn

 


Ý kiến bạn đọc