Multimedia Đọc Báo in

Giao lưu Olympic tiếng Anh tiểu học: Sân chơi bổ ích cho học sinh yêu thích Anh ngữ

09:15, 09/05/2011

Không áp lực về thành tích và điểm số, Giao lưu Olympic tiếng Anh như một cuộc sát hạch trình độ một cách tự nguyện của cả phụ huynh và học sinh. Đây là sân chơi bổ ích, môi trường giao lưu cho học sinh tiểu học yêu thích tiếng Anh.

Nhu cầu học tăng cao
Năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 93 trường tiểu học (TH) tổ chức dạy tiếng Anh cho 25.179 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Bên cạnh những đơn vị có thâm niên về dạy-học ngoại ngữ như TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Pak, huyện Ea Kar, những năm gần đây, phụ huynh và học sinh ở các địa phương khác: Lak, Krông Ana, Krông Năng, Cư M’gar cũng rất quan tâm và có sự đầu tư nhất định cho môn học này. Ông Hồ Phước Củng, chuyên viên phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar cho biết: “Năm 2002, thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT một vài trường TH trên địa bàn huyện đã triển khai dạy thí điểm môn tiếng Anh cho học sinh lớp 3. Vì là môn học tự chọn nên việc dạy-học cũng chỉ theo phong trào. Song vài năm trở lại đây, trước nhu cầu học tập tiếng Anh của phụ huynh và học sinh tăng cao, các trường (chủ yếu trường được công nhận đạt Chuẩn quốc gia) đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc biệt đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy học Anh ngữ. Đến nay, toàn huyện đã có 12/38 trường tổ chức dạy tiếng Anh cho khoảng 3.500 học sinh, với 8 giáo viên biên chế”.
Cũng như nhiều môn tự chọn khác, bộ môn tiếng Anh không nằm ngoài những khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, giáo trình giảng dạy, kinh phí bồi dưỡng giáo viên… Tháo gỡ khó khăn trên, ngành giáo dục các địa phương đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa; đồng thời linh động vận dụng cơ chế chính sách của Nhà nước phù hợp với nhu cầu, thực tế của địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào dạy-học tiếng Anh phát triển. Ông Phùng Văn Chang, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar cho biết: “Toàn huyện có 36 trường TH, nhưng duy nhất chỉ còn 2 trường TH Huỳnh Thúc Kháng (xã Ea Sô) và Hà Huy Tập (xã Cư Yang) mới chia tách chưa tổ chức dạy tiếng Anh. Những năm đầu mới triển khai dạy thí điểm, các trường phải hợp đồng giáo viên, nhưng hiện nay đã có 24 biên chế giáo viên tiếng Anh. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần, do đó, ở những trường có ít học sinh, phòng GD-ĐT đã linh động bố trí giáo viên tiếng Anh phụ trách 2 trường trong cùng một địa bàn xã để bảo đảm đủ số giờ dạy. Cách làm này đã giúp giáo viên tiếng Anh gắn bó trường lớp, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với học sinh. Bên cạnh đó, mặc dù là môn học tự chọn, nhưng phòng cũng tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, thi giáo án điện tử, sinh hoạt tổ chuyên môn để giáo viên có điều kiện nâng cao trình độ nghiệp vụ; đồng thời tổ chức cuộc thi để học sinh yêu thích môn tiếng Anh có cơ hội giao lưu, trao đổi trong học tập.

Phần thi đồng đội của Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột) được Ban tổ chức đánh giá cao.
Phần thi đồng đội của Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột) được Ban tổ chức đánh giá cao.

Sân chơi bổ ích
Từ ba năm nay, ngành Giáo dục đều đặn tổ chức Giao lưu Olympic tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học yêu thích bộ môn này trên địa bàn toàn tỉnh. Cuộc thi năm nay được khởi động từ đầu học kỳ 2, thu hút hàng ngàn học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 học giỏi tiếng Anh thuộc 9 phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố tranh tài ở vòng thi cấp trường, cấp huyện và đã chọn được 60 học sinh xuất sắc tham gia giao lưu cấp tỉnh. Ngoài việc kiểm tra các kỹ năng nghe, nói, đọc hiểu qua phần thi cá nhân, các em còn tham gia phần thi đồng đội gồm: hát, đọc thơ, kể chuyện và kịch. Phần thi này giúp các em rèn luyện khả năng, sự tự tin khi giao tiếp trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh với các bạn cùng độ tuổi. “Kết quả cuộc thi không chỉ phản ánh trình độ thí sinh mà giúp các phụ huynh, thầy cô giáo và bản thân các em học sinh rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu. Bên cạnh sự vững vàng về kiến thức, ngữ pháp, từ vựng các em phải rất tỷ mỉ, cẩn thận. Điều này giúp các em tự tin, vững vàng ở các cuộc thi tiếp theo và suốt cả quá trình học tiếng Anh sau này”, ông Phạm Văn Nhăm, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) khẳng định.

Giao lưu Olympic tiếng Anh cũng là một dịp để nhìn lại những tâm huyết của phụ huynh hết lòng đầu tư cho con phát triển khả năng ngoại ngữ. Phụ huynh em Bùi Hoàng Nhi, Trường TH Nguyễn Công Trứ (Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột) - đoạt giải Nhất tại Giao lưu Olympic cấp tỉnh năm nay chia sẻ: “Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, học giỏi tiếng Anh là một lợi thế. Do đó, gia đình đã đầu tư thật tốt cho con học tiếng Anh từ hè năm học lớp 1. Nhìn con tự tin đọc thơ, hát  tiếng Anh khá trôi chảy trước sự chứng kiến của nhiều người, gia đình thấy rất vui”.

Ông Phạm Văn Nhăm, Trưởng Phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, mặc dù không nằm trong số các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm dạy tiếng Anh bắt buộc cho học sinh tiểu học từ lớp 3 trở lên vào năm học 2011-2012, nhưng tỉnh ta vẫn khuyến khích những trường có điều kiện tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh. Sự đi trước đón đầu sẽ giúp học sinh có thêm cơ hội học tập ngoại ngữ. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tiềm năng và hiệu quả học ngoại ngữ của trẻ được phát huy tốt hơn so với việc bắt đầu ở bậc trung học.

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc