Xã Ea Tân - điểm sáng trong công tác xã hội hóa giáo dục
Xã Ea Tân (Krông Năng) được tách ra từ xã Dliê Ya từ năm 2003. Là một xã thuần nông, Ea Tân có khá đông đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc di cư như Tày, Nùng, Thái...; kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp và không đồng đều. Mặc dù là một trong những xã “sinh sau đẻ muộn” ở Krông Năng nhưng trong những năm qua, Ea Tân được đánh giá là một địa phương năng động trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đã phát huy nội lực trong việc huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân cho công tác giáo dục.
Theo thống kê, tổng vốn huy động xã hội hóa giáo dục ở Ea Tân từ năm 2006 đến nay là hơn 4,2 tỷ đồng. Đây quả là một con số ấn tượng đối với một xã vùng sâu còn nhiều khó khăn như Ea Tân. Trong đó, đáng kể nhất là việc người dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học ở, nhất là ở trường THCS Trần Phú đang trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã đã huy động người dân đóng góp đáng kể cho việc xây dựng cơ sở vật chất trường học. Từ năm 2006 (năm đầu tiên được thành lập) đến nay, Trường THCS Trần Phú đã xây dựng được 16 phòng học, 1 nhà hiệu bộ và 6 phòng bộ môn (4 dãy nhà hai tầng) với tổng kinh phí 6,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, các công trình khác như nhà ở giáo viên, nhà vệ sinh, nhà đa chức năng… trị giá hàng tỷ đồng có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân địa phương (trong đó, chỉ riêng nhà đa chức năng, người dân đã đóng góp hơn 900 triệu đồng để xây dựng). Người dân còn đóng góp mua 12 bộ máy vi tính, 3 máy laptop, 1 máy chiếu, bàn để máy vi tính với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng để phục vụ công tác giảng dạy và học tập của nhà trường; lắp đặt hệ thống camera gồm 32 chiếc trị giá 300 triệu đồng tại các phòng học, vòi nước uống sạch bằng công nghệ lọc RO... Ngoài ra, nhân dân cũng đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng tường rào, sân bê tông, nhà vệ sinh, cổng trường, nhà thường trực, làm đường đá vào trường, hiến tặng cây cảnh... tạo nên cảnh quan môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp, an toàn và thân thiện. Hiện Trường THCS Trần Phú đang thi công xây dựng nhà để xe, sân bóng, đường bê tông hành lang, bờ kè, nhà kho,... trị giá gần 1 tỷ đồng do nhân dân đóng góp cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Không chỉ có Trường THCS Trần Phú, ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé, từ năm 2005 đến nay, người dân đã đóng góp hơn 1,1 tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình như nhà nội trú giáo viên, tường rào, sân bê tông, thư viện điện tử, nhà để xe, dàn máy vi tính...
Ngoài việc đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học, người dân xã Ea Tân còn xây dựng các quỹ khuyến học của các dòng họ, hội đồng hương nhằm tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt thành tích cao trong học tập; động viên con em tích cực thi đua học tập, rèn luyện để trở thành “con ngoan, trò giỏi”. Các dòng họ khuyến học tiêu biểu như: dòng họ Đặng Văn có 28 hộ, xây dựng được nguồn quỹ 75 triệu đồng, hằng năm dành để khen thưởng con em trong dòng họ học khá giỏi, thi đỗ đại học, cao đẳng với mức thưởng 1 triệu đồng/em; dòng họ Phan Thế gồm 32 hộ có nguồn quỹ là 48 triệu đồng… Hội đồng hương xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) gồm 48 hộ, có nguồn quỹ 48 triệu đồng...
Có thể nói, việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục đã có những ảnh hưởng, tác động tích cực làm chuyển biến chất lượng giáo dục ở địa phương. Ở trường THCS Trần Phú, cùng với việc thực hiện tốt công tác quản lý giáo dục, tổ chức các hình thức hoạt động dạy - học tích cực (mở lớp tạo nguồn, coi trọng việc giáo dục “mũi nhọn”,..), cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ và được sử dụng hiệu quả đã mang lại chất lượng rõ rệt trong công tác dạy và học. Tỷ lệ học sinh lên lớp hằng năm đạt cao, nhất là tỉ lệ học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh luôn chiếm thứ hạng cao trong số các trường THCS của huyện. Đáng kể là mỗi năm Ea Tân đều có hàng chục học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh…
Ý kiến bạn đọc