Đổi mới chương trình và sách giáo khoa: Bảo đảm hài hoà giữa “dạy chữ,” “dạy người” và từng bước “dạy nghề”
Tại cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Đình Chuẩn đã cho biết những định hướng chính của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa lần này. Đó là, nếu chương trình hiện hành quan tâm chủ yếu tới việc học sinh sẽ học được những gì, việc xây dựng chương trình theo hướng tiếp cận nội dung dạy học thì chương trình mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực; tức là xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng phải đạt các năng lực ấy.
Theo đó, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, trong cuộc sống; coi trọng rèn luyện kỹ năng sống.
Chương trình mới sẽ có mức yêu cầu, nội dung mang tính bắt buộc trong toàn quốc, nhưng cũng phải có phần dành cho các địa phương chủ động xác định, vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc điểm dạy học của địa phương, của thầy và trò.
Chương trình mới có sự hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ,” “dạy người” và từng bước “dạy nghề,” định hướng nghề nghiệp, nhất là ở cấp trung học phổ thông.
Nội dung các môn học cần cân đối giữa lý thuyết hàn lâm với tăng cường thực hành, gắn với các tình huống đời sống và yêu cầu giải quyết vấn đề; tích hợp tránh sự trùng lặp không cần thiết gây nên sự quá tải của chương trình.
Ý kiến bạn đọc