Multimedia Đọc Báo in

Đôi điều về dùng từ Hán Việt

14:17, 31/07/2011
Hiện nay, hiện tượng lạm dụng từ Hán Việt, sử dụng từ Hán Việt thiếu chính xác hoặc sai nghĩa, tối nghĩa khi viết và nói đang ngày càng trở nên phổ biến, thành một căn bệnh khó chữa.
Một lần, con trai tôi nhận được thiệp mời sinh nhật của bạn, trong đó có câu: “Hôm nay là ngày sinh nhật lần thứ 20 của tôi…”.  Sinh nhật - thực ra là ngày sinh - khi thêm chữ “ngày” vào thành ra thừa chữ. Vì thế, trong trường hợp này  thì chỉ cần viết: “Hôm nay là sinh nhật lần thứ 20 của tôi”, hoặc: “Hôm nay là ngày sinh lần thứ 20 của tôi” là đủ. Dạo quanh các chợ, phố phường ở đâu người ta cũng treo bảng quảng cáo hàng hóa rõ to: “Hàng khuyến mại” nhưng thực ra là khuyến mãi mới đúng nghĩa của nó bởi “mại” là bán, còn “mãi” là mua. Khuyến mãi là việc làm của các cửa hàng nhằm lôi kéo khách vào mua hàng với các “chiêu” như giảm giá, tặng nhà, quay số may mắn... Người ta chỉ khuyến khích người mua càng nhiều càng tốt chứ khuyến khích bán làm gì nữa?
 
Có những từ nói sai, viết sai được mọi người  lặp đi, lặp lại nhiều trở thành thói quen, nếu không chú ý thì ngỡ là đúng. Chẳng hạn: Nhận lương xong, thầy A trường tôi thốt lên: “Chà! Tiền lương tháng này khiêm tốn quá!” trong khi lẽ ra từ “khiêm tốn” được sử dụng khi chỉ tính tốt của con người, khiêm nhường, không khoe khoang, không lên mặt mặc dù có tài, có công thực sự. Từ “khiếm tốn” hiện nay lại được dùng phổ biến để chỉ số lượng và định lượng:  Hội diễn văn nghệ đợt này số đội tham gia quá khiêm tốn (ít đội tham gia), hoặc: Bạn ấy có thân hình rất khiêm tốn (nhỏ bé), hay: Chỉ tiêu năm nay đặt ra thật là khiêm tốn (chỉ tiêu thấp)… Hoặc trường hợp một người bạn khi gặp tôi đã khoe: “Tôi mới đi thăm quan Côn Đảo về”.  Câu này phải dùng từ “tham quan” mới đúng bởi “tham quan” mới có nghĩa là đi thăm phong cảnh ở đâu đó. Đặc biệt, hiện nay trên đài phát thanh, báo chí, hoặc khi  trò chuyện mọi người hay dùng từ: “siêu”, “tặc”, “khủng”: siêu xe, siêu mỏng, siêu mẫu…; Sưa tặc, lâm tặc, cát tặc, đinh tặc… ngực khủng, nhà khủng, xe khủng… Từ tố “siêu” đứng trước các từ ngữ có nguồn gốc Hán Việt để chỉ tính chất cao, vượt lên trên như siêu cao áp, siêu  đẳng, siêu nhiên… Các yếu tố “tặc”, “khủng” không tồn tại với tư cách là một từ trong tiếng Việt, vì vậy sự kết hợp của một số từ ngữ với yếu tố “khủng” như đã dẫn là vô nghĩa. Ví dụ: Nếu nói “siêu mẫu” để chỉ những người mẫu cao cấp là không chính xác vì siêu mẫu có nghĩa là vượt quá sự chuẩn mực, bất thường. Lại có hiện tượng báo chí, truyền thông lấy một số từ Hán Việt cổ để trang bị cho một số danh hiệu, nào là “nam vương” “nữ hoàng áo tắm”, “nữ hoàng khiêu vũ”,“nữ hoàng đồ lót”,  “nữ hoàng tốc độ”…
 
Thiết nghĩ, để khắc phục bệnh dùng không đúng nghĩa từ Hán Việt của nhiều người hiện nay, mỗi chúng ta cần ý thức sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, kỹ lưỡng hơn trong dùng từ, đặt câu, kiên trì tìm tòi học hỏi để luôn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Nguyễn Trung Thu

Ý kiến bạn đọc