Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư quy định biên soạn giáo trình sử dụng chung trình độ trung cấp chuyên nghiệp
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư quy định giáo trình sử dụng chung, tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình sử dụng chung trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trong đó quy định cụ thể việc tổ chức biên soạn, thẩm định và duyệt giáo trình sử dụng chung.
Theo Thông tư, giáo trình sử dụng chung trình độ TCCN phải đáp ứng 6 yêu cầu: cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của môn học, phù hợp với mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp; đáp ứng yêu cầu của phương pháp giáo dục nghề nghiệp; có định hướng cơ bản về phương pháp giảng dạy, kiểm tra và đánh giá; nội dung thông tin phải chính xác, phù hợp với thực tiễn, cập nhật được các thành tựu mới của khoa học và công nghệ; kết cấu bảo đảm tính logic, khoa học; được sử dụng cho một hoặc nhiều ngành đào tạo ở nhiều cơ sở đào tạo; được hiệu đính, bổ sung, cập nhật thường xuyên trong các lần tái bản; việc biên soạn, xuất bản, tái bản, phát hành, sử dụng giáo trình phải theo đúng quy định của pháp luật.
Việc biên soạn giáo trình sử dụng chung được thực hiện bởi một Ban biên soạn giáo trình sử dụng chung (Ban biên soạn) do Bộ trưởng ra quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của đơn vị tổ chức biên soạn giáo trình. Chủ biên phải có bằng Thạc sĩ hoặc tương đương trở lên về ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với nội dung chuyên môn của giáo trình dự kiến sẽ được biên soạn; có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong giảng dạy hoặc quản lý, nghiên cứu giáo dục TCCN hoặc giáo dục đại học... Các thành viên Ban biên soạn phải có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên về ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với nội dung chuyên môn của giáo trình dự kiến sẽ được biên soạn; có ít nhất 7 năm kinh nghiệm trong giảng dạy hoặc trong quản lý, nghiên cứu giáo dục TCCN hoặc giáo dục đại học; đã ít nhất là thành viên một Ban biên soạn giáo trình cấp trường trở lên...
Thông tư cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn, số lượng Hội đồng thẩm định giáo trình sử dụng chung.
Ý kiến bạn đọc