Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên cấp THPT: Cần những giải pháp đồng bộ

15:59, 16/10/2011

Từ lâu nay, theo nhận xét của nhiều người, chất lượng dạy và học của hệ GDTX cấp THPT luôn thấp, không đạt yêu cầu đề ra. Đó là một “định kiến” không phải không có nguyên nhân. Bởi như chúng ta thấy: đa số học sinh có học lực kém, ý thức học tập không cao, đặc biệt chương trình quá nặng đối với học sinh thuộc diện vừa đi làm vừa học… Đây cũng là những nội dung được “mổ xẻ” tại Hội thảo nâng cao chất lượng GDTX cấp THPT do Sở GD-ĐT tổ chức vào cuối tháng 9-2011. Giải pháp nào để nâng cao chất lượng, khẳng định “thương hiệu” GDTX đang là những trăn trở của đội ngũ làm công tác quản lý giáo dục tại Hội thảo.

Chất lượng giáo dục thường xuyên...
Toàn tỉnh hiện có 15 trung tâm GDTX và 154/184 xã có trung tâm học tập cộng đồng. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của hệ thống GDTX đã góp phần nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân. Ngoài tăng nhanh số lượng học sinh, chất lượng đào tạo của hệ GDTX cũng đang từng bước được cải thiện. Nếu như năm 2007-2008, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hệ GDTX là 19,5% thì kỳ thi năm 2010-2011 là 70%. Số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hệ GDTX đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Theo ông Trần Quốc Công, Trưởng Phòng GDTX (Sở GD-ĐT) không ít người tỏ ra hoài nghi với những kết quả trên, tuy nhiên một thực tế là, chất lượng dạy và học tại các trung tâm GDTX hiện nay đã khác rất nhiều so với trước. Học sinh ngày càng nền nếp, kiến thức tiếp thu đầy đủ hơn, do đó hiệu quả đào tạo được nâng cao. Song, nghiêm túc đánh giá thì thấy chất lượng GDTX vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo phân tích của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo, chất lượng giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng được sự mong đợi của xã hội là hoàn toàn dễ hiểu, khi chất lượng đầu vào thấp. Đa số học sinh của các trung tâm GDTX có học lực yếu, mất căn bản; một bộ phận học viên ý thức học tập chưa cao hoặc chưa xác định đúng động cơ học tập. Khảo sát chất lượng khối lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên năm học 2011-2012, môn Văn có 73% học sinh có điểm kiểm tra dưới 5 điểm, tỷ lệ này ở môn Toán là 75%. Bên cạnh đó, một số học sinh vừa đi làm vừa đi học, điều kiện học tập còn nhiều thiếu thốn, thiếu tự tin trước đám đông, nhận thức còn nhiều hạn chế…

Bên cạnh yếu tố khách quan như chất lượng đầu vào thấp, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, thì còn một nguyên nhân khác là chính chương trình GDTX cấp THPT còn bộc lộ nhiều bất cập, trở thành rào cản để nâng cao chất lượng. So với chương trình THPT hệ tập trung số tiết học của hệ giáo dục thường xuyên giảm 5%. Đây là tỷ lệ khá lớn trong tổng số tiết của chương trình, trong khi học cùng một bộ sách giáo khoa, cùng một chuẩn kiến thức, nhưng kết quả cuối cùng, yêu cầu người học có trình độ tương đương với học sinh THPT là điều vô lý?

Học sinh lớp 12 Trung tâm GDTX huyện Cư M'gar trong giờ học môn Lịch sử.
Học sinh lớp 12 Trung tâm GDTX huyện Cư M'gar trong giờ học môn Lịch sử.
Để xây dựng “ thương hiệu” giáo dục thường xuyên
Rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa THPT và GDTX không chỉ là mong muốn riêng của đội ngũ làm công tác quản lý giáo dục mà của toàn xã hội. Trong những năm qua, tùy điều kiện thực tế, bản thân mỗi trung tâm GDTX đã tự nâng cao chất lượng, xây dựng “thương hiệu” để khẳng định vai trò không thể thiếu trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhất là trong bối cảnh các loại hình đào tạo ngày càng đa dạng. Ông Nguyễn Thế Huynh, Giám đốc Trung tâm  GDTX huyện Lak chia sẻ: với đặc thù học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em phải nghỉ học hoặc bỏ học giữa chừng, nên chỉ cần “giữ được chân” các em là đã hoàn thành 50% nhiệm vụ. Xuất phát từ thực tế ấy, Ban Giám đốc Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội tạo môi trường học tập tốt nhất cho học viên; đồng thời liên hệ chặt chẽ với gia đình, thường xuyên thăm hỏi, động viên để các em đi học chuyên cần hơn. Bên cạnh đó, đơn vị còn huy động sự ủng hộ về tài chính của các đơn vị, cá nhân hảo tâm xây dựng Quỹ Khuyến học khuyến tài khen thưởng, khích lệ các em nỗ lực hơn trong học tập và góp phần giúp phụ huynh giảm bớt gánh nặng chi phí học tập của con em họ. Không như ở các trường trung học phổ thông, đối tượng học tập của Trung tâm có sự khác biệt rõ nét về nhận thức và thái độ học tập. Ngoài học chính khóa, giáo viên phải tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao để học sinh tìm thấy niềm vui, sự hưng phấn trong học tập. Với những biện pháp trên, năm học 2010-2011, tỷ lệ bỏ học của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Lak giảm từ 15% xuống còn 2%; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 66,7%, tăng 31,3% so với năm học trước. Đặc biệt, hơn 30% trong tổng số học sinh tốt nghiệp đỗ vào các trường đại học, trong khi đó năm học 2009-2010, chỉ có 7 học sinh đỗ đại học, cao đẳng.
 Học sinh hệ GDTX ngoài học lực yếu, vấn đề đạo đức cũng cần được quan tâm. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng đã xây dựng nội quy, quy định tác phong, nền nếp đối với học sinh; trong đó đề ra những biện pháp mạnh đối với những học sinh vi phạm. Ông Nguyễn Tài Hùng, Giám đốc Trung tâm  giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng cho biết: “Đa số học sinh chỉ có điều kiện học bài ngay trên lớp, do đó Ban Giám đốc đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày và tổ chức dạy hè cho học sinh yếu, kém. Đối với dạy hè, ngay sau khi kết thúc chương trình năm học, Trung tâm đã lên kế hoạch dạy hè cho hai khối 10 lên 11 và 11 lên 12. Song song với đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy thì, việc đổi mới đánh giá, xếp loại học sinh đóng vai trò quyết định nâng cao chất lượng giáo dục. Trong quá trình kiểm tra bố trí học sinh ngồi theo vần, thi theo khối và có ít nhất 4 mã đề khác nhau. Bài thi được chấm tập trung và rọc phách để bảo đảm tính khách quan, công bằng. Việc kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm hoặc kết hợp giữa trắc nghiệm với tự luận giúp  học sinh chủ động hơn trong học tập và làm quen với các kỳ thi tốt nghiệp, cao đẳng, đại học…

Cùng với sự tự xoay sở của mỗi trung tâm, theo ông Trần Quốc Công, Trưởng Phòng GDTX (Sở GD-ĐT), muốn nâng cao chất lượng dạy-học ở hệ GDTX, Bộ GD-ĐT cần gấp rút xây dựng, bổ sung chương trình GDTX phù hợp với yêu cầu người học; quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên và học sinh; cải tiến công tác đánh giá, thi cử; đặc biệt cần phải giảm tải chương trình của tất cả các bộ môn (ít nhất là ¼ chương trình) và phân phối thời gian hợp lý hơn; cần tinh giảm nội dung kiến thức trọng tâm, bỏ những nội dung dàn trải; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng và trang bị đồng bộ các phòng thực hành thí nghiệm để sử dụng có hiệu quả…

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc