Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Những khởi sắc từ phong trào “Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực”

10:23, 04/10/2011

Sau ba năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, công tác giáo dục và đào tạo của TP. Buôn Ma Thuột đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều trường học đã xây dựng được trường lớp, xanh, sạch đẹp, an toàn; số học sinh giỏi và giáo viên giỏi tăng, chất lượng giáo dục ở ba cấp học năm sau đều cao hơn năm trước.

Tuy mỗi địa phương, mỗi đơn vị có điều kiện hoàn cảnh khác nhau, nhưng 115/115 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố đều tham gia phong trào ở cả 5 nội dung: Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; đổi mới phương pháp dạy học; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động tập thể vui chơi lành mạnh và cho học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng địa phương. Từ phong trào này, ở thành phố đã xuất hiện nhiều ngôi trường thân thiện, các thầy cô có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay và sáng tạo.

Các đơn vị trường học ở cả 3 cấp học đã làm tốt công tác kiểm tra thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện việc thực hiện các nhiệm vụ năm học. Ở hầu hết các trường học đã có nhiều sáng tạo trong việc thực hiện phong trào và có những giải pháp khắc phục khó khăn như: tăng cường công tác chuyên môn để nâng cao tay nghề cho giáo viên, giúp đỡ những giáo viên có chuyên môn còn hạn chế. Đặc biệt chú trọng tăng cường dạy môn Tiếng Việt cho các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, luyện nói tiếng Việt, tổ chức các tiết học tăng cường tiếng Việt cho học sinh không chỉ trong các giờ học chính khóa mà còn tổ chức thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các buổi ngoại khóa, các trò chơi dân gian…

Giờ ra chơi của học sinh Trường THCS Trần Bình Trọng.
Giờ ra chơi của học sinh Trường THCS Trần Bình Trọng.
Từ phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh việc “dạy học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh, giúp các em tự tin trong học tập”. Mọi cán bộ quản lý, giáo viên đều được tập huấn về đổi mới phương pháp quản lý, giảng dạy, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đến nay, 99% giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố đều đạt chuẩn và trên chuẩn; trên 80% số trường đã kết nối mạng Internet, thực hiện chế độ báo cáo và giao dịch bằng thư điện tử, ứng dụng các phần mềm học tập, quản lý học sinh, quản lý giáo viên, hỗ trợ sắp xếp thời khóa biểu, quản lý thư viện…. Nhiều trường đã tăng cường ứng dụng CNTT vào các tiết dạy: sử dụng các phần mềm trình chiếu, giáo án điện tử…

Qua kiểm tra đánh giá kết quả triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, toàn thành phố đã có 26 đơn vị được xếp loại xuất sắc, 79 đơn vị xếp loại tốt, và 10 đơn vị xếp loại khá, không có đơn vị xếp loại trung bình. Chất lượng giáo dục ở các vùng ngày càng được thu hẹp dần. 

Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (xã Hòa Thắng)  được xem là đơn vị tiêu biểu của phong trào ở vùng nông thôn của TP. Buôn Ma Thuột. Mặc dù là một đơn vị còn khó khăn, qua ba năm hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh đã tạo được một môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, học sinh có điều kiện tham gia các hoạt động tập thể bổ ích, tìm hiểu giữ gìn và phát huy truyền thống quê hương; gắn kết hơn nữa mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, giáo viên với phụ huynh. Trường THCS Trần Bình Trọng (phường Tân Hòa) cũng là đơn vị xuất sắc trong phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Những năm qua nhà trường đã coi trọng việc dạy cách học và tự học cho học sinh, khuyến khích các học sinh học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, không tiếp thu một chiều mà có tư duy và biết phản biện để tự nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh. Nhiều câu lạc bộ, nhiều tiết học, ngày học, lớp học “thân thiện, tích cực” được tổ chức liên tục ở các trường.

Từ những sự đổi mới này của các trường học, thành phố đã có thêm nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và thành phố; số học sinh giỏi cũng tăng dần qua các năm. Chỉ tính riêng trong năm học 2010-2011, toàn thành phố có trên 2000 em đạt học sinh giỏi các cấp, giáo viên tham gia 1013 đề tài sáng kiến kinh nghiệm, trong đó có 675 đề tài được xếp loại và 82 đề tài được được xếp loại cấp tỉnh.   
Bên cạnh đó, để tạo môi trường học tập “xanh, sạch, đẹp”, các trường trên địa bàn thành phố đã trồng bổ sung gần 1500 cây xanh. Những mô hình trồng, chăm sóc cây với tên gọi “Góc thiên nhiên”, “Vườn tuổi thơ”, “Cây xanh em trồng”, “Vườn rau của bé”... đã tạo cho học sinh ý  thức và thói quen bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các trường còn đưa nhiều nội dung sinh hoạt ngoại khóa như rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng ứng xử văn hóa, phòng ngừa bạo lực học đường, kỹ năng tham gia giao thông, phòng chống các tệ nạn xã hội. Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh, hướng dẫn cho học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương…; các trò chơi dân gian, các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ,  cuộc thi Rung chuông vàng,  hát dân ca và trò chơi dân gian được đưa vào nhà trường qua các buổi thể thao, văn hóa văn nghệ… tạo điều kiện cho những giá trị văn hóa các địa phương vào nhà trường. Các cuộc thi tìm hiểu nước sạch và vệ sinh môi trường, tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng được các trường tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo sự tham gia của học sinh.

Phát huy những thành quả đã đạt được, trong những năm học tiếp theo, ngành giáo dục TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục nỗ lực đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”; chú trọng huy động các nguồn lực hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học cho các trường, đặc biệt là ở các xã vùng ven để môi trường giáo dục ngày một thân thiện hơn.

Xuân Hậu

Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.