Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm học tập cộng đồng: Nhìn từ xã Đray Sáp (Krông Ana)

10:53, 23/10/2011

Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là một thiết chế giáo dục không chính quy nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, do cộng đồng thành lập và quản lý nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển cộng đồng thông qua việc tạo cơ hội học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng. Thế nhưng trong thời gian qua, nhiều TTHTCĐ đã không được quan tâm đúng mức, không thể hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả…

Từ những cách làm sáng tạo của xã Đray Sáp
TTHTCĐ xã Đray Sáp được thành lập vào tháng 2-2006. Trụ sở đặt tại khu điều trị bệnh phong buôn Tua A (xã Đray Sáp). Đây là địa bàn khó khăn nhất của xã về kinh tế xã hội với 100% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết nằm trong diện hộ nghèo. Nhận thức được sự khó khăn do điều kiện khách quan trên, TTHTCĐ xã Đray Sáp đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp khắc phục. Các cán bộ của trung tâm đã thay phiên nhau “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” dân để tuyên truyền sâu rộng và thường xuyên về mục đích, ý nghĩa nội dung hoạt động của mình để mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức nhận thức rõ, đồng tình ủng hộ và có trách nhiệm tích cực tham gia xây dựng phong trào xã hội học tập. Nhờ đó đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và trong người lao động về vai trò quan trọng của công tác dạy nghề lao động nông thôn trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức các cuộc điều tra nhu cầu của nhân dân, phong tục tập quán từng địa bàn. Từ đó tham mưu cho cấp ủy và chính quyền xã lên kế hoạch hằng năm cho hoạt động ở từng thôn buôn, từng thời điểm trong năm. Thực hiện phương châm “đưa lớp học về gần với người học”, tổ chức nội dung và thời gian học linh hoạt…tạo ra sự say mê học tập của người dân. Ngoài ra, trung tâm cũng tổ chức giám sát theo dõi quá trình áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn lao động sản xuất và hiệu quả kinh tế đạt được để đúc rút kinh nghiệm cho hoạt động của mình. Không dừng lại ở đó, trung tâm còn liên kết đào tạo với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp học nghề phù hợp với nhu cầu lao động xã hội. Chủ động liên kết với các đơn vị tuyển dụng lao động để tạo “đầu ra” hấp dẫn và ổn định. Để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, trung tâm đã tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương liên hệ với các tổ chức, cá nhân, các đối tác hỗ trợ kịp thời cho trung tâm. Nhờ đó, đến nay trung tâm đã có đầy đủ cơ sở vật chất dạy và học khá khang trang rải đều các nhà văn hóa cộng đồng của các thôn buôn trên địa bàn xã. Tận dụng các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn để làm nơi thực hành hiệu quả cho học viên. Bằng cách làm chủ động, sáng tạo của mình, trong các năm qua, trung tâm đã mở được 22 lớp học dài hạn, học viên được cấp chứng chỉ quốc gia  (không kể các lớp học chuyên đề, bổ túc ngắn hạn). Phong trào học tập văn hóa, học nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật của nhân dân trong xã phát triển rộng khắp, tự giác tham gia học tập. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo tăng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho địa phương.

Trao chứng chỉ lớp chăn nuôi thú y tại TTHTCĐ xã Đray Sáp.
Trao chứng chỉ lớp chăn nuôi thú y tại TTHTCĐ xã Đray Sáp.
Hướng đi nào cho các trung tâm học tập cộng đồng?
Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Hà Ngọc Đào cho biết, hiện toàn tỉnh có 156/184 xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ. Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, chỉ 20% trong số đó hoạt động tương đối tốt, 30% trung bình và 50% còn lại không thể hoạt động, hoặc hoạt động yếu kém. Những TTHTCĐ hiệu quả như ở xã Đray Sáp chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vừa qua, tại Hội thảo chuyên đề Xã hội hóa học tập được tổ chức tại xã Đray Sáp (huyện Krông Ana), hầu hết các đại biểu đều nêu khó khăn chung là kinh phí hoạt động và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các TTHTCĐ. Tuy nhiên, theo ông Hà Ngọc Đào thì yếu tố con người mới là cốt lõi để giải quyết vấn đề. Kinh phí hoạt động của các TTHTCĐ đã được Nhà nước quy định rõ (30 triệu đông/năm đối với TTHTCĐ được thành lập mới, 25 triệu đồng/năm với TTHTCĐ ở địa bàn khó khăn và 20 triệu đồng/năm cho những TTHTCĐ ở vung thuận lợi), nhưng có nơi hoạt động được, có nơi hoạt động không tốt. Cùng quan điểm này, Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Đray Sáp Nguyễn Văn Đô chia sẻ, trước hết, toàn xã hội cần nhận thức rõ tầm quan trọng của các TTHTCĐ. Đây là hình thức giáo dục vừa có tính nhân văn, vừa có tính xã hội, có vai trò quan trọng đối với việc phát triển vốn con người, nguồn nhân lực. Cán bộ thực hiện phải thật sự tâm huyết và nhạy bén, vận dụng khéo léo với hoàn cảnh cụ thể; người dân phải nhận thức được cơ hội học tập của mình do các TTHTCĐ tạo ra. Bên cạnh đó, cơ chế  quản lý hành chính Nhà nước đối với các TTHTCĐ cũng là vấn đề đáng quan tâm. Hiện nay chức danh Phó giám đốc TTHTCĐ thường do một phó chủ tịch UBND xã đảm nhiệm. Kinh phí hoạt động của các TTHTCĐ được đưa về xã và duyệt chi cho khoản kinh phí này lại do chủ tịch UBND xã thực hiện. Vì vậy, để có kinh phí hoạt động phải qua nhiều khâu phức tạp, dẫn đến sự chậm trễ, không đáp ứng kịp thời nhu cầu hoạt động và gây tâm lý không tốt đối với những người trực tiếp điều hành hoạt động của các TTHTCĐ.

Ông Đào khẳng định, mô hình hoạt động của TTHTCĐ xã Đray Sáp là mô hình rất tốt để phát triển xã hội học tập. Vì vậy cần nhân rộng và nhân nhanh mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh. Song song với đó, cần giải quyết tốt những khúc mắc còn tồn tại như đã nêu trên. Có như vậy các TTHTCĐ mới có thể phát huy hiệu quả của mình.

Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.