Multimedia Đọc Báo in

Các điểm trường mầm non ở vùng đồng bào di cư tự do Krông Bông chưa được quan tâm đầu tư

10:24, 08/11/2011

Theo thống kê, năm học 2011-2012, huyện Krông Bông có 3.027 học sinh dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào, chiếm 31,4% tổng số học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) trong toàn huyện, tập trung ở các thôn Nơh Prông (xã Hòa Phong), Ea Lang, Ea Bar, Ea Uôl, Cư Tê, Cư Rang, Ea Rớt (xã Cư Pui), Yang Hăn, Nao Hul, Ea Luêh, Ea Hăn, Cư Dhắt (xã Cư Đrăm).
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT Krông Bông, chất lượng giáo dục học sinh DTTS, đặc biệt là học sinh vùng di cư tự do còn rất thấp, tỷ lệ lưu ban, bỏ học hằng năm vẫn còn rất cao mà một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là các điểm trường mầm non ở vùng đồng bào di cư tự do chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. 

Giờ học ở lớp mẫu giáo xã Cư Pui.
Giờ học ở lớp mẫu giáo xã Cư Pui.

Trường Mẫu giáo xã Cư Pui có đến 14 điểm trường, 17 lớp với 452 học sinh, trong đó có 8 điểm trường chỉ toàn học sinh người Mông với 11 lớp và 327 học sinh. Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui cho biết: “Trường có nhiều điểm trường nên việc kiểm tra, giám sát gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các điểm trường xa như Ea Rớt, Ea Bar, Cư Tê. Hiện tại mỗi thôn đều có 1 - 2 điểm trường nhưng hầu hết địa bàn của các thôn người Mông rất rộng, nhiều em vẫn phải đi học xa 3 - 5 km, đường sá đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa”. Còn cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên điểm trường Ea Bar thì lo lắng: “Đầu năm cả lớp có đến 75 học sinh nhưng vì điều kiện khó khăn, nhiều cháu phải đi học xa nên hôm nào cũng vắng đến gần một nửa, một số cháu đã bỏ học luôn”. Cơ sở vật chất của các trường Mẫu giáo ở đây hầu hết đều tạm bợ và thiếu thốn. Ở các điểm trường chủ yếu chỉ có một vài phòng học tạm còn hầu như chẳng có công trình gì (không điện, không nước, không công trình vệ sinh, không nhà ở giáo viên...). Điểm trường Nơh Prông (xã Hòa Phong) có 3 lớp, hơn 70 học sinh với 3 phòng học tranh tre, tạm bợ. Đây cũng là tình trạng ở các điểm trường ở xã Cư Pui và Cư Drăm. Cô H’Đik Êban, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Drăm cho biết: “Xã Cư Drăm có 5 thôn người Mông nhưng chỉ có 3 phòng học tạm do người dân tự làm nay đã xuống cấp, bàn ghế cũng do người dân tự đóng và phải mượn của trường Tiểu học. Hiện tại, số trẻ ở độ tuổi 3-5 tuổi trên địa bàn  rất đông nhưng nhà trường mới chỉ mở được 4 lớp mẫu giáo 5 tuổi với 135 học sinh vì thiếu phòng học và bàn ghế". 

 

Ngoài sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trong công tác giảng dạy, khó khăn nhất vẫn là chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh. Người Mông di cư sống tập trung theo cộng đồng nên trong sinh hoạt hằng ngày họ nói bằng tiếng mẹ đẻ, cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, nhiều gia đình đông con, ít quan tâm đến việc học hành của con cái nhất là đối với các em ở bậc học Mầm non và Tiểu học. Vì vậy khi đến lớp Mầm non, hầu hết học sinh đều chưa nói và hiểu được tiếng Việt khiến chất lượng giảng dạy rất thấp vì bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò. Tuy các trường Mầm non ở đây đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày song 18 lớp ở các điểm trường học sinh người Mông trên địa bàn 3 xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm chưa có lớp nào thực hiện được.

Tùng Lâm

Ý kiến bạn đọc