Giáo dục học sinh dân tộc thiểu số - góc nhìn từ huyện Krông Ana
Với việc thực hiện tăng cường dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông và có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các trường vùng dân tộc, vùng khó khăn huyện Krông Ana đang nỗ lực khuyến khích tối đa học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên việc dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh DTTS sẽ khó đạt được hiệu quả cao nếu thiếu sự quan tâm đồng bộ của chính quyền các cấp cũng như các ngành liên quan.
Từ chính sách đặc thù...
Năm học 2011-2012, huyện Krông Ana có 20 trường tiểu học, trong đó 10 trường có đông học sinh DTTS. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường triển khai nhiệm vụ năm học, Phòng GD-ĐT đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ thêm gần 825 triệu đồng cho các trường tổ chức dạy học tiếng Êđê, các trường vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể, 6 trường tổ chức dạy tiếng Êđê được đầu tư từ 30-40 triệu đồng/trường; các trường có điểm lẻ mỗi đơn vị từ 5-7 triệu đồng và mỗi lớp dạy tiếng Êđê còn được đầu tư 5 triệu đồng để hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, làm đồ dùng dạy học…Không chỉ hỗ trợ về kinh phí, ngành Giáo dục huyện Krông Ana còn thường xuyên kiểm tra, xây dựng hệ thống hồ sơ theo dõi, quản lý dạy học, đưa nhiệm vụ dạy tiếng Êđê thành một tiêu chí đánh giá thi đua của cá nhân và tập thể, nhờ đó đã khuyến khích các đơn vị tích cực hơn trong việc triển khai dạy tiếng Êđê, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Nếu như năm học 2009-2010, toàn huyện chỉ có 2 trường, với 13 lớp tiếp tục duy trì dạy tiếng Êđê cho 307 học sinh, thì năm học 2011-2012 đã nâng lên thành 6 trường, 40 lớp, với 741 học sinh. Đặc biệt, không chỉ có học sinh DTTS tại chỗ học tiếng mẹ đẻ mà nhiều học sinh người Kinh và các dân tộc khác cũng theo học tiếng Êđê. Thầy Lưu Xuân Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (xã Dur Kmăl) chia sẻ: “Trước đây, việc dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh DTTS tại chỗ ít nhận được sự quan tâm về mọi mặt nên ít nhiều ảnh hưởng đến phong trào dạy học. Hiện nay, với sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, có chế độ phụ cấp cho đội ngũ quản lý, giáo viên công tác chăm sóc, giáo dục học sinh dân tộc đã được coi trọng đúng mức, đặc biệt việc tổ chức dạy tiếng Êđê được nhà trường quan tâm hơn. Thực tế qua 10 năm triển khai dạy tiếng Êđê tại trường cho thấy đã có tác động tích cực đối với học sinh DTTS. Phần lớn học sinh ham học tiếng Êđê và tự tin trong học tập. Các giờ học tiếng Êđê có số lượng học sinh tham gia đầy đủ, nắm bắt kiến thức nhanh, vững chắc hơn, ít học sinh bỏ học”.
Năm học 2011-2012, Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ea Na) đưa bộ môn tiếng Êđê vào giảng dạy. |
... Đến phương án luân chuyển giáo viên
Toàn bậc tiểu học của huyện Krông Ana có 492 giáo viên, trong đó có 37 giáo viên là người dân tộc thiểu số, nhưng chỉ 19 giáo viên có khả năng dạy được tiếng Êđê. Ông Thái Văn Tài, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana cho biết, xác định rõ đội ngũ giáo viên đóng vai trò then chốt quyết định sự thành công trong tiến trình đổi mới và nâng cao hiệu quả dạy tiếng Êđê trong nhà trường, ngay từ đầu năm học, Phòng đã thực hiện phương án luân chuyển giáo viên để thực hiện việc dạy tiếng Êđê tại các trường có đủ điều kiện. Tuy nhiên việc luân chuyển hoàn toàn không dễ dàng bởi nó đã tạo ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống của giáo viên. Sau nhiều lần động viên, thuyết phục những giáo viên có khả năng dạy tiếng Êđê đã đồng tình với phương án sắp xếp của Phòng, thậm chí có giáo viên đang dạy bậc trung học cơ sở, nhưng với lòng yêu nghề, tình thương dành cho học trò đã sẵn sàng chuyển trường về dạy tiếng Êđê cho học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, để tiếp thêm sức mạnh cho các giáo viên dạy tiếng Êđê, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo thành lập một tổ sinh hoạt chuyên môn chuyên biệt chung cho 6 trường có tổ chức dạy tiếng Êđê, mỗi tháng sinh hoạt một lần nhằm đánh giá rút kinh nghiệm, triển khai một số văn bản liên quan đến bộ môn giảng dạy và bàn biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học. Trong quá trình tổ chức, tổ chuyên môn còn sinh hoạt theo chuyên đề, bồi dưỡng thêm năng lực, kỹ năng và phương pháp dạy tiếng Êđê. Cô H’Loen Byă, giáo viên dạy tiếng Êđê Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ea Na) tâm sự: “Dẫu đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng với bộ môn tiếng Êđê thì hoàn toàn mới lạ, song nhờ sự động viên của lãnh đạo Phòng, sự chia sẻ kinh nghiệm của những giáo viên đi trước nên đã vững tin dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh”.
Cần một chính sách thống nhất
Để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS có hiệu quả, ngoài biên soạn sách giáo khoa, từ điển cần có sự quan tâm đồng bộ của các cấp, các ngành về nhiều vấn đề như kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi... trong đó quan trọng nhất là cần có một chính sách thống nhất và đặc thù để đào tạo giáo viên dạy tiếng và chữ viết dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một hệ thống trường sư phạm khá đầy đủ từ hệ trung cấp đến đại học, nhưng hầu như các trường chưa có hoặc chưa chú ý nhiều về bộ môn ngôn ngữ và văn hóa các DTTS bản địa. Do đó, các cấp có thẩm quyền cần có hướng chỉ đạo để trong hệ thống giáo dục thì đây là nơi đầu tiên cần được dạy tiếng và chữ viết DTTS nói chung, trong đó có tiếng Êđê trước khi mở đại trà các lớp song ngữ và dạy tiếng Êđê ở cấp tiểu học, trung học cơ sở. Sinh viên là người Êđê đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh phải tham gia học tiếng mẹ đẻ ngoài chương trình học theo quy định của ngành để phục vụ công tác và được ưu tiên trong tuyển dụng, vì hiện nay phần lớn giáo viên và cán bộ là người Êđê không biết đủ 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) tiếng mẹ đẻ. Mặt khác, trong giáo dục đôi khi chúng ta còn quan niệm chưa hoàn chỉnh về mục đích của dạy chữ và tiếng DTTS nói chung và tiếng Êđê nói riêng là “bắc cầu” để học chữ và tiếng Việt dẫn đến phong trào học tiếng Êđê ở các trường tiểu học chưa có tính bền vững. “Việc học chữ và tiếng DTTS có mục đích sâu xa hơn là để hiểu biết bản sắc riêng của nền văn hoá vật chất và tinh thần của dân tộc để tham gia vào việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa đó. Chính vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ của ngành Văn hóa thì ngành Giáo dục chỉ làm được công việc xóa mù chữ và các lớp vỡ lòng và rồi các em cũng sẽ quên và mai một theo thời gian, ông Thái Văn Tài, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Ana trăn trở.
Ý kiến bạn đọc