Giúp học sinh dân tộc thiểu số giải nghĩa từ khi học ngữ văn
Một trong những khó khăn trong học tập mà học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) gặp phải là rào cản ngôn ngữ, bởi các em phải học bài, làm bài bằng tiếng Việt chứ không phải là bằng tiếng dân tộc của mình. (Tất nhiên, cần phải nhắc lại rằng học tiếng Việt vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ đối với học sinh DTTS chứ không phải là học “ngoại ngữ” như quan niệm của một số người). Với bộ môn Ngữ văn, khó khăn đó còn lớn hơn khi mà mục tiêu của môn học này là học sinh phải đạt được chuẩn về các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết.
Cái vướng lớn nhất của các em khi học Ngữ văn là do không hiểu được nghĩa của từ. Vì thế, việc giải nghĩa từ là một bước không thể thiếu trong giờ học Văn – tiếng Việt. Để thực hiện, cần có những biện pháp, cách thức phù hợp.
Trước hết, phải chú trọng việc giải thích từ ngữ (giải nghĩa từ) cho học sinh trong khi đọc – hiểu văn bản. Sách giáo khoa Ngữ văn, ở cuối mỗi văn bản đã có phần chú thích để giải nghĩa các từ khó trong văn bản ấy. Nhưng với học sinh DTTS, như thế vẫn chưa đủ. Bởi ngoài những từ ngữ khó đã được giải nghĩa, vẫn còn có nhiều từ ngữ khác mà có thể với học sinh người Kinh thì quen thuộc, dễ hiểu nhưng với học sinh DTTS thì lại xa lạ, khó hiểu, thậm chí là những từ lần đầu mới gặp nên không hiểu nghĩa từ đó là gì. Mà khi đã không hiểu được nghĩa của từ thì học sinh không thể hiểu được nội dung văn bản đó một cách đầy đủ. Ví dụ: câu văn “Tục truyền đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức”, phải giải thích cho học sinh tục truyền là gì. Hoặc trong câu văn “Choắt không dậy được nữa, nằm thoi thóp”, cần giảng giải thêm về từ thoi thóp (thở một cách mệt nhọc, yếu ớt, đứt quãng); hoặc hồi tưởng trong văn tự sự nghĩa là gì? (nhớ lại)…
Vì thế, giáo viên dạy Ngữ văn phải giải thích thêm những từ ngữ ngoài chú thích của sách giáo khoa cho học sinh DTTS mà mình giảng dạy. Từ ngữ nào cần giải thích thêm, đó là việc mà giáo viên phải tự xác định vì điều đó tùy thuộc vào lớp mình dạy, đối tượng học sinh mình dạy.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, phải thường xuyên chú ý rèn kỹ năng giải thích nghĩa của từ cho học sinh. Đây là một kỹ năng rất quan trọng với học sinh, kể cả học sinh người Kinh. Với học sinh DTTS, càng cần phải đầu tư nhiều thời gian hơn. Cần cho các em làm nhiều bài tập, bao gồm các bài tập về giải nghĩa từ có trong sách giáo khoa và ra thêm những bài tập tương tự để học sinh nắm chắc những cách giải nghĩa từ: giải nghĩa từ bằng cách trình bày khái niệm, giải nghĩa từ bằng cách dùng từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ mà mình giải thích (Bài Nghĩa của từ - sách giáo khoa Ngữ văn 6, tập 1 - trang 35). Tập cho các em tra từ điển để các em có vốn từ phong phú hơn.
Một biện pháp nữa là hướng dẫn các em tìm hiểu nghĩa của từ bằng những cách như: xem tranh ảnh, đối chiếu với từ ngữ tiếng dân tộc. Ví dụ: khi học văn bản Bài học đường đời đầu tiên (Trích Dế Mèn phiêu lưu ký - sách giáo khoa Ngữ văn 6, tập 2), nhân vật là các loài vật: Dế Mèn, Dế Choắt, Cào Cào, Gọng Vó, Cò, Vạc, Cốc, Le Le…Giáo viên có thể cho học sinh xem tranh ảnh (nếu có) hoặc mô tả những đặc điểm nhận dạng như hình dáng, màu sắc, tiếng kêu… của từng con vật. Vì thực tế cho thấy, khi gọi tên các con vật đó bằng tiếng Việt, nhiều em không biết đó là con gì nhưng qua mô tả hoặc xem tranh ảnh, các em nhận ra ngay. Có thể hỏi thêm: con vật đó tiếng Ê Đê gọi là con gì? (tiếng Êđê gọi Dế Mèn là Lir, Cào cào là Ktuôp, Cốc là Cim ea…). Qua đó, học sinh sẽ hiểu rõ hơn về đặc điểm, tính cách của nhân vật: vẻ đẹp hùng dũng của Dế Mèn, hình ảnh ốm yếu của Dế Choắt, cái mỏ dài nhọn như cái dùi sắt của chị Cốc. Cách làm này rất hiệu quả mà không mất nhiều thời gian, lại tạo được sự hứng thú cho học sinh. Tương tự cách làm như vậy, khi dạy bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt ( Ngữ văn 9 - tập 1), giáo viên cần phải cho học sinh biết con chim tu hú là con chim như thế nào thì học sinh mới có thể cảm nhận được cái tha thiết, gợi thương gợi nhớ của tiếng chim vang vọng, khắc khoải trên những cánh đồng xa (Chim tu hú, tiếng Êđê gọi là Gru tuk). Cũng có thể cho một số em có năng lực “dịch” một số từ ngữ khó hoặc một đoạn văn hay từ tiếng Việt sang tiếng Êđê để cho cả lớp cùng tham khảo. Việc này kích thích sự hứng thú học tập của các em, khiến các em thấy môn học trở nên gần gũi hơn. Hoặc khi dạy bài Các phương châm hội thoại ( tiết 13 – Ngữ văn lớp 9, tập 1), cho học sinh liên hệ: Tiếng Êđê có thành ngữ nào có ý nghĩa giống câu thành ngữ “Ông nói gà bà nói vịt” không. Học sinh đã nêu được một số thành ngữ tiếng Êđê tương tự, như: Tao nói bên phải (sao) mày nói bên trái; tao nhìn bên này (sao) mày nhìn bên kia…
Những biện pháp, cách thức trên sẽ dần tạo cho học sinh thói quen, ý thức chủ động tìm hiểu nghĩa của từ khi đọc – hiểu văn bản cũng như trong cuộc sống hằng ngày; hình thành nên những thao tác tư duy cần thiết cho học sinh để các em hiểu tiếng Việt, có một vốn từ tiếng Việt phong phú, biết so sánh đối chiếu với từ ngữ tiếng dân tộc để thấy được cái hay cái đẹp của tiếng Việt, từ đó sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo và hiệu quả.
Hoàng Minh Sơn
Ý kiến bạn đọc