Chương trình Tư vấn mùa thi năm 2012: Giúp học sinh tự tin chọn ngành nghề
Bất chấp cái nắng gay gắt của tháng cao điểm mùa khô Tây Nguyên, hàng trăm học sinh (HS) của 6 trường THPT trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có mặt tại Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh rất sớm để tham dự Chương trình Tư vấn mùa thi (TVMT) năm 2012 do Báo Thanh Niên phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức. Năm nay, Chương trình tư vấn có nhiều điểm mới, không chỉ giúp HS có thêm thông tin mà gia đình cũng bớt lo âu, căng thẳng…trước kỳ thi quan trọng.
Phụ huynh tham gia tư vấn
Mặc dù 14 giờ Chương trình Tư vấn mùa thi mới chính thức bắt đầu, nhưng hơn 13 giờ, đông đảo phụ huynh, HS đã có mặt tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh để tham gia. Từng nhóm HS sôi nổi trao đổi thông tin về những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2012; chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường, ngành nghề đào tạo; việc bổ sung thêm khối thi A1; những ưu tiên cũng như cách thức để có thể đạt kết quả tốt trong kỳ thi… 2 HS Lương Thị Huyền Trang và Nguyễn Thị Thùy Trang (lớp 12A5, Trường THPT Lê Quý Đôn) cho biết: “Đầu năm lớp 11, chúng em đã chọn Khối C, ngành nghề, trường yêu thích, nhưng khi trường thông báo có Chương trình TVMT, vẫn cứ háo hức tham dự để biết thêm nhiều thông tin bổ ích về kỳ thi”. Với Lê Văn Cường, học sinh lớp 12B1, Trường THPT Cao Bá Quát, tham gia Chương trình TVMT để củng cố niềm tin trước khi quyết định nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Cường chia sẻ: “Học lực của em chỉ trung bình, nhưng gia đình định hướng nên chọn thi Khối A, ngành Quản trị - Kinh doanh để cơ hội việc làm sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, em vẫn chưa quyết định. Hy vọng qua sự tư vấn của các chuyên gia tuyển sinh sẽ giúp em chọn được một ngành học phù hợp”.
Học sinh tìm hiểu thông tin của các trường tại gian hàng triển lãm, tư vấn tuyển sinh. |
Không chỉ tìm hiểu thông tin của các trường qua tài liệu tham khảo được phát tại gian hàng triển lãm, tư vấn trong khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi, nhiều phụ huynh còn tham gia tư vấn trực tiếp để giúp con định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Bà Thạch Lý, phụ huynh em Thạch Hoàng Long (lớp 12A4, Trường THPT thực hành Cao Nguyên) chia sẻ: “Mặc dù đã cùng con tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến ngành Y của Trường Đại học Tây Nguyên trên trang Web của trường và các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn muốn nghe các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cung cấp thêm về những chính sách ưu tiên của Nhà nước dành cho học sinh dân tộc thiểu số, nhất là chính sách thu hút nhân tài để các em gắn bó lâu dài với vùng đất Tây Nguyên”. Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (có con đang học lớp 12 tại Trường THPT Buôn Ma Thuột) nói: “Cô con gái đã chọn thi khối B, ngành Y Trường Đại học Tây Nguyên, nhưng vẫn muốn thi thêm khối A. Gia đình rất phân vân, chưa biết khuyên cháu thế nào. Do đó, dù rất bận rộn, tôi vẫn quyết định thu xếp công việc để tham gia Chương trình TVMT. Qua những băn khoăn, thắc mắc của các bạn cùng trang lứa, tôi sẽ hiểu con gái hơn, từ đó giúp con lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực học tập và điều kiện kinh tế của gia đình”.
Giải đáp cùng học sinh
Phụ huynh chăm chú lắng nghe thông tin tư vấn tuyển sinh năm 2012. |
Cùng với việc cung cấp cho HS những thông tin chung về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, các chuyên gia tư vấn đến từ hơn 30 trường ĐH, CĐ, TCCN và trung tâm giáo dục đã tư vấn một số điểm mới liên quan đến kỳ thi. Những câu hỏi thiết thực xoay quanh quy chế tuyển sinh năm nay, cơ hội vào ĐH, CĐ và những ưu tiên đối với các HS dân tộc ít người đã được thành viên Ban tư vấn tuyển sinh giải đáp. HS Phạm Quốc Việt, lớp 12A2, Trường THPT Buôn Ma Thuột nêu câu hỏi: “Khi nhận giấy báo dự thi, nếu phát hiện có sai sót thì phải giải quyết thế nào?”. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh trả lời: “Trên giấy báo dự thi có thông tin về thời gian và địa điểm để chỉnh sửa giấy báo dự thi. Theo đó, khi phát hiện sai sót các em phải đến nơi được thông báo để chỉnh sửa trước ngày thi. Những chỉnh sửa sau ngày thi sẽ không có giá trị”. Một HS đến từ Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) đặt câu hỏi và đã nhận được nhiều ủng hộ của HS tại buổi tư vấn: “Tâm lý trước mùa thi luôn là mối quan tâm của em và các bạn vì ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi. Các thầy cô có thể tư vấn phương pháp để học tốt, giảm bớt căng thẳng và chuẩn bị tâm lý khi bước vào kỳ thi?”. Thầy Châu Minh Quý, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing giải đáp: “Mỗi cá nhân đều có cách riêng để tạo sự thoải mái trong học tập. Vì vậy, các em nên dùng cách quen thuộc, phù hợp với mình lâu nay. Gần ngày thi, chỉ nên xem bài nhẹ, không nên học ngày học đêm sẽ không đủ sức khỏe để thi”. Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Có rất nhiều chuyện vui xung quanh việc ăn uống thế nào để thi đậu như: ăn xôi đậu đỏ, không nên ăn hột vịt lộn... Thực tế dưới góc độ dinh dưỡng, cần phải ăn và nghỉ ngơi hợp lý để bảo đảm sức khỏe. Theo tôi, quá trình sinh hoạt, ăn uống của mỗi gia đình như thế nào thì hãy cứ bình thường như vậy, đừng thay đổi đột ngột, sẽ khiến cho việc hấp thụ của mỗi người trở nên khó khăn”. Một HS đặt câu hỏi qua đường dây nóng của Chương trình: “Do nhà nghèo nên em muốn học ngành kinh tế để ra trường làm giám đốc, có tiền phụ giúp gia đình. Mong các thầy cô tư vấn cho em học ngành kinh tế trường nào phù hợp nhất?”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng: “HS nên xem xét lực học của mình để chọn trường phù hợp, đồng thời cần lưu ý mức học phí để không phải quá khó khăn khi theo học”. Tiến sĩ Lê Công Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng bổ sung: “Không phải mọi giám đốc đều giàu và cũng không phải mọi người giàu làm giám đốc đều xuất thân từ ĐH. Vì vậy, con đường trở thành giám đốc của mỗi người không giống nhau. HS cần xác định thực lực bản thân để theo học, chứ không nhất thiết phải vào ĐH ngay lập tức. Có thể học trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng rồi liên thông lên ĐH”.
Học sinh Trần Văn Long, Trường THPT Buôn Ma Thuột thắc mắc về việc học trường ĐH công lập và ngoài công lập khác nhau điểm nào, ra trường sinh viên ngoài công lập có khó xin việc làm hơn không? Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Tây Nguyên, cả hai loại hình đều thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Và hiện nay, công lập và ngoài công lập đều đào tạo ngành nghề theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Tùy mỗi vùng mà các trường có chương trình đào tạo phù hợp đặc điểm ngành nghề vùng đó. Sinh viên khi ra trường đều được cấp bằng chính quy có giá trị như nhau.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc