Những điểm sáng trong công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi
10:09, 13/02/2012
Cùng với các trường THPT Chuyên Nguyễn Du, Buôn Ma Thuột, Thực hành Cao Nguyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần đây một số trường ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh như THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H’leo), THPT Krông Bông (huyện Krông Bông) cũng từng bước khẳng định “thương hiệu” qua kết quả các kỳ thi học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Thầy tận tụy, trò tận lực
Việc phát hiện, bồi dưỡng HSG ở Trường THPT Krông Bông gặp rất nhiều khó khăn do chất lượng đầu vào thấp (học sinh không phải thi tuyển vào lớp 10), hơn nữa cấp học càng cao thì việc tuyển chọn, bồi dưỡng HSG càng khó vì áp lực thi tốt nghiệp THPT và thi đại học rất lớn. Thầy Mai Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Krông Bông cho biết: “Ban Giám hiệu vẫn xác định công tác bồi dưỡng HSG là nhiệm vụ trọng tâm, có tác dụng thiết thực và mạnh mẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời tạo ra khí thế hăng say vươn lên trong học tập của học sinh”.
Công tác phát hiện, bồi dưỡng HSG luôn được Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H'leo) quan tâm |
Để đạt được mục tiêu đề ra, hàng năm Trường THPT Krông Bông đều tổ chức thi HSG cấp trường cho học sinh khối lớp 10 và 11 để phát hiện, tạo nguồn cho kỳ thi năm sau. Nhà trường lập đội tuyển thi HSG ngay từ đầu năm, phân công giáo viên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho các em. Tùy điều kiện thực tế, nhà trường có nhiều cách bồi dưỡng khác nhau: có khi lồng ghép bồi dưỡng HSG với các đối tượng học sinh khác. Trong tiết dạy có thí sinh dự thi HSG, giáo viên đưa ra những câu hỏi, bài tập nâng cao để phát huy trí lực, tư duy sáng tạo của các em. Có khi bồi dưỡng HSG theo từng nhóm hoặc tìm kiếm tài liệu giúp các em tham khảo. Nhà trường phân công những giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, có kinh nghiệm bồi dưỡng HSG giúp các em phương pháp học tập, quan trọng hơn là truyền ngọn lửa đam mê học tập, tự tìm tòi nâng cao kiến thức. Sự tận tụy trong giảng dạy của thầy, cô giáo, sự tận lực trong học tập của học sinh đã giúp Trường THPT Krông Bông từng bước khẳng định “thương hiệu” của mình. Tính từ năm học 2001-2002 đến nay, trường có hơn 100 học sinh giỏi cấp tỉnh, 9 học sinh đạt giải quốc gia, nhiều học sinh được tuyển thẳng vào đại học. Đặc biệt, trong 2 năm học 2009-2010 và 2010-2011, trường có 3 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó có 2 giải Khuyến khích môn Vật lý và Lịch sử (giải duy nhất về Vật Lý và Lịch sử của tỉnh), giải Ba môn Toán (giải cao nhất của tỉnh).
Xứng đáng truyền thống đất “nghèo hiếu học”
Năm học 2009-2010 trở về trước, Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H’leo) đã từng có học sinh tham dự và đạt danh hiệu HSG cấp tỉnh. Tuy nhiên, mỗi năm cũng chỉ có từ 1-3 học sinh dự thi ở 2 bộ môn Ngữ văn, Địa lý, chủ yếu đạt giải Ba và Khuyến khích. Không bằng lòng với kết quả trên, từ năm học 2010-2011, Ban Giám hiệu nhà trường quyết tâm từng bước nâng cao chất lượng dạy-học, chú trọng đầu tư cho các kỳ thi HSG để đạt kết quả cao cả về số lượng thí sinh dự thi, môn thi và chất lượng giải, xứng đáng truyền thống của vùng đất Ea H’leo “nghèo mà hiếu học”. Thầy Phạm Văn Chí, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Chu Trinh chia sẻ: “Tuy là địa bàn vùng sâu, vùng xa, chất lượng giáo dục đại trà thấp nhưng vẫn có một số ít học sinh có khả năng, nếu được bồi dưỡng kịp thời, với phương pháp và hệ thống bài bản vẫn có thể đạt giải HSG. Trong số những học sinh mới nhập học, có vài em đã từng đạt giải HSG cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 9. Do vậy, Hội đồng sư phạm trường quyết định tập trung bồi dưỡng ngay từ đầu lớp 10…”.
Công tác phát hiện, bồi dưỡng HSG được nhà trường lập kế hoạch cụ thể, khoa học gồm các giai đoạn: phát hiện-thử thách; bồi dưỡng nâng cao; bổ sung-sàng lọc; tập trung nước rút. Trong đó, một tháng trước kỳ thi chọn HSG chính thức là giai đoạn ôn thi căng thẳng nhất, đòi hỏi sự tập trung đầu tư cao độ của thầy và trò. Vì vậy, nhà trường đã xây dựng các chính sách ưu tiên như: sắp xếp thời khóa biểu cho giáo viên luyện thi có thời gian dạy HSG; cho HSG tạm thời nghỉ học phụ đạo và làm bài kiểm tra các môn học khác trên lớp để dành thời gian ôn thi… Với những biện pháp trên, số lượng và chất lượng giải thi HSG của nhà trường tăng lên đáng kể. Kỳ thi HSG cấp tỉnh năm học 2010-2011, đội tuyển HSG của trường gồm 7 em dự thi 3 môn: Ngữ văn, Địa lý, Toán, có 6 em đạt giải, trong đó có một giải Nhì môn Ngữ văn. Năm học 2011-2012, toàn trường có 13 học sinh dự thi 4 môn: Ngữ văn, Địa lý, Toán, Hóa học và đã có 11 em đạt giải, gồm 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Đặc biệt, hai môn thế mạnh của trường là Ngữ văn và Địa lý có 100% học sinh dự thi đạt giải.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc