Để làm được một bài văn hay
Trong môn Ngữ văn, để có một bài văn hay, bên cạnh việc bảo đảm nội dung thì cần phải có kỹ năng và sự kết hợp của nhiều yếu tố khác. Xin chia sẻ một số kinh nghiệm làm văn như sau:
Đối với câu hỏi lý thuyết, bên cạnh việc thí sinh phải nắm vững kiến thức của bài học thì cần trả lời chính xác, ngắn gọn. Không quá chú trọng vào việc dùng câu chữ cầu kỳ, diễn đạt văn hoa, bóng bẩy…; bảo đảm nội dung khi trả lời theo hình thức gạch đầu dòng để phân tách ý rành mạch. Nếu câu hỏi có nhiều ý thì ta nên tách ra để trả lời tránh bỏ sót ý. Lưu ý, với dạng câu hỏi này, thí sinh cần chú ý đến mặt thời gian và dung lượng câu trả lời, tránh viết tràn lan, rườm rà, lộn xộn tốn thời gian mà hiệu quả không cao.
Đối với câu hỏi nghị luận xã hội, nếu là dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lý thì chúng ta nên lập dàn ý theo các bước: nêu khái niệm, phân tích, bình luận, bàn luận, nêu dẫn chứng, mở rộng vấn đề, cuối cùng là phải liên hệ và nêu bài học cho bản thân... Nếu là dạng đề nghị luận về một hiện tượng trong đời sống thì chúng ta cần theo các bước: nêu thực trạng (gồm 2 mặt tích cực và tiêu cực), đưa ra nguyên nhân, giải pháp. Trong quá trình xác lập ý và nêu quan điểm, phải chú ý đến tính chính xác và tính khách quan khi nhìn nhận về một vấn đề hay hiện tượng trong đời sống, không nên viết quá dài hoặc quá ngắn.
Đối với câu hỏi nghị luận văn học, thí sinh nên đầu tư thời gian nhiều hơn (vì câu hỏi này chiếm số điểm cao hơn so với các câu còn lại). Ta có thể gặp các dạng đề như: nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ hoặc phân tích một nhân vật, một đoạn trích trong tác phẩm… Đầu tiên, thí sinh phải xác định ngay phương pháp nghị luận và lập dàn ý trước khi làm bài. Nếu phân tích hay bình luận về một đoạn thơ hay bài thơ thì ngoài việc phân tích nội dung, thí sinh cần chú ý các yếu tố nghệ thuật như cách dùng ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu, hình thức câu thơ… Nếu là phân tích, cảm nhận về một nhân vật, một đoạn trích trong tác phẩm,… thì chúng ta cần xác định rõ đề bài hỏi vấn đề gì: Nhân vật nào? Đoạn tác phẩm nào? Nội dung gì? Tập trung trả lời thẳng vào vấn đề cụ thể đó. Tránh bàn luận dài dòng, tránh kể chuyện tràn lan. Với những thao tác trên, thí sinh sẽ có một bài văn viết đúng và đủ nội dung. Song, để đạt điểm cao còn cần viết hay nữa. Cái hay của một bài văn được tạo ra bởi những suy nghĩ sâu sắc, cảm xúc chân thành, tha thiết. Khi viết phải thể hiện được cái hồn tác phẩm trong bài viết của mình. Đồng thời, cái hay của bài văn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố diễn đạt. Những suy nghĩ và cảm nhận trong bài làm phải được sắp xếp theo một hệ thống rành mạch, chặt chẽ, giàu sức thuyết phục. Cách hành văn phải trôi chảy; câu, từ phải dùng phải chính xác và có tính thẩm mỹ cao.
Văn Hà
Ý kiến bạn đọc