Multimedia Đọc Báo in

Lớp học giữa rừng

10:25, 05/05/2012

Khi biết chúng tôi có ý định vào thăm điểm trường, Tiểu học Nơ Trang Lơng, buôn Lách Ló, xã Nam Ka, huyện Lak, ông Bùi Quang Liên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tỏ ra ái ngại: “Đây là lớp học xa và khó khăn nhất tỉnh, phải lội rừng hơn mười cây số, nhà báo không vào được đâu!”. Lời giới thiệu đầy ấn tượng khiến chúng tôi càng quyết tâm thực hiện chuyến đi thực tế vào lớp học này.

Thầy Nguyễn Văn Mười và lớp học tại buôn Lách Ló.
Thầy Nguyễn Văn Mười và lớp học tại buôn Lách Ló.

Tan ca học buổi sáng, thầy Y Trưng Bdap, Hiệu trưởng nhà trường cùng hai thầy giáo trẻ dẫn chúng tôi vào buôn Lách Ló nằm sâu trong rừng Nam Ka. Trước lúc khởi hành, thầy Y Trưng trấn an “Phải ăn no đã, nếu không, khi vào đến nơi nhà báo không còn đủ sức tác nghiệp”. Chúng tôi ăn vội đĩa cơm bụi, mua một ít bánh kẹo làm quà cho các em rồi bắt đầu lên đường. Đường vào Lách Ló gần 20 km xuyên rừng lởm chởm những tảng đá lớn, nhỏ, xe máy phải chạy ì ạch qua nhiều quả đồi, vượt 5 con suối và 3 cây cầu gỗ tạm bợ; có những đoạn đường sục bùn trơn trượt hoặc bị đá chắn ngang, chúng tôi phải lội bộ và đẩy xe nhích từng bước. Mãi gần đến giờ học chiều, chúng tôi mới vào đến lớp, ai cũng mồ hôi nhễ nhại. Hai phòng học lợp mái tôn, thưng bằng gỗ nằm lọt thỏm giữa rừng heo hút. Điểm trường này thành lập từ năm 2004, làm bằng tranh tre nứa lá và được xây dựng lại cách đây hai năm, hiện có hai lớp với 18 học sinh (lớp 1: 20 em, lớp 2: 8 em) do thầy Nguyễn Văn Mười phụ trách. Do lớp học xa và thiếu thốn nên trường phân công thời gian mỗi giáo viên phụ trách một năm. Thầy Mười cho biết: để học sinh đến lớp đều đặn, ngoài dạy chữ, thầy phải thường xuyên gần gũi, thăm hỏi các em và dùng kẹo để…“dụ”. Các em là người M’nông, Êđê, tiếp thu chậm nên việc dạy học rất vất vả. Trong phòng học lớp 2, chỉ có lèo tèo 6 em vì 2 em hôm nay theo ba mẹ lên rẫy nên nghỉ học. Mấy em nhỏ quần áo cũ mèm, mặt mày lem luốc rụt rè nhìn khách lạ. Ấn tượng nhất là cô bé Y Bhim bởi đôi mắt sáng ngời đang cặm cụi viết bài. Gia đình em thuộc diện nghèo nhất buôn, nhà đông anh em, mấy anh chị lớn phải ở nhà làm rẫy, chỉ có em và người chị được đi học. Em hồn nhiên: “Em thích đi học để biết chữ, lớn lên làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người”

 Trường lớp đơn sơ, giáo viên cũng không có nhà công vụ, phải ở nhờ nhà dân. Vì xa nhà hàng chục km nên thầy Mười cuối tuần mới về nhà. Nếu gặp khi trời mưa, đường trơn trượt phải gắn xích vào bánh xe mới đi được; có khi nước suối dâng cao làm trôi cầu thì cả tháng thầy mới về thăm nhà. Có những lần đi về một mình giữa rừng, tiếng muông thú rợn người, thầy phải hú thật to để át nỗi sợ hãi. Chưa kể, do chợ không có, thầy phải dự trữ thức ăn cho cả tuần; mỗi khi thèm thịt tươi phải nhờ người mua ngoài chợ thị trấn mang vào. Đời sống tinh thần cũng chẳng có gì vì không có sóng điện thoại di động, sách báo, ti vi... Mấy năm trước, có thầy giáo vào dạy học ở đây đã bị sốt rét vì muỗi đốt và điều kiện sinh hoạt quá kham khổ. Giáo viên về nhận công tác ở đây phải trẻ, có sức khỏe. Tuy khó khăn, vất vả là thế, nhưng qua thời gian gắn bó với đồng bào và dạy học cho các em nhỏ nơi đây đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên với thầy, cô giáo Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng. Và, qua đó, họ lại có thêm trải nghiệm mới, thấu hiểu hơn với những thiếu thốn của học trò vùng sâu và thêm yêu công việc của mình. Thầy Nguyễn Văn Mười chia sẻ: dù điều kiện công tác còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để bù đắp phần nào thiệt thòi cho các em nhỏ ở đây.

Cả buôn Lách Ló có khoảng 100 em trong độ tuổi đến trường; các em từ lớp 3 phải ra trung tâm xã học. Vì vậy, việc tìm đến với “cái chữ” của những em nhỏ nghèo trong buôn còn rất gian nan; đến nay mới chỉ có một em học hết THPT (hệ bổ túc).  Nhìn mấy đứa trẻ đang chơi đùa ngoài rẫy, ông Y Win, Trưởng buôn Lách Ló nói như gửi gắm niềm tâm sự: “Dù còn thiếu thốn đủ thứ, nhưng niềm mong mỏi lớn nhất của người dân trong buôn là có một lớp học mầm non và một con đường để các em nhỏ đi học thuận lợi, lớn lên không phải quẩn quanh với cái nghèo bên nương rẫy”.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.