Nét chữ nết người
Cuộc sống ngày càng tất bật và những tiện ích của công nghệ bàn phím máy tính đã hỗ trợ con người nhiều trong việc viết lách… tuy vậy vẫn có không ít các học viên hằng đêm còn dành thời gian theo học nắn nót từng con chữ, với những nét thanh, nét đậm…
Lớp học nhiều lứa tuổi
Căn nhà nhỏ số 20 đường Tống Duy Tân (TP. Buôn Ma Thuột) hằng ngày luôn tấp nập người đến rèn viết chữ đẹp. Ngoài các em học sinh phổ thông, mỗi người đều có những lý do riêng để tham gia khóa học. Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học rèn chữ để viết mẫu cho các cháu tập viết; nhân viên ngân hàng, sinh viên học cách viết, trình bày văn bản đẹp; nhà sư rèn chữ chép kinh; chủ cửa hàng cầm đồ rèn chữ viết biên lai rõ ràng hơn và cán bộ hưu trí cũng học chỉ đơn giản vì yêu tiếng Việt… Chị Trần Thị Thu Trang, ở đường Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) nói: “Chỉ còn vài tháng nữa, cô con gái út vào lớp 1, nên hai vợ chồng quyết định cho con rèn chữ. Rút kinh nghiệm từ việc dạy dỗ cô con gái đầu đang học lớp 6 Trường THCS Phan Chu Trinh là không nên coi nhẹ việc rèn chữ vì rèn nét chữ là luyện nết người. Còn nhỏ mà chữ đã xấu thì sau này phải mất rất nhiều thời gian mới sửa lại được”. Với chị Út Minh (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) lý do đến với lớp rèn chữ là do ngưỡng mộ phương pháp giảng dạy và kỹ thuật viết chữ của thầy giáo. Chị Út cho biết: “Thật ngạc nhiên chỉ hơn nửa tháng dày công rèn luyện, chữ viết của 2 đứa cháu con người em họ (lớp 4 và lớp 10) đẹp hẳn lên. Lâu nay mình vẫn nghĩ làm kinh doanh thì cần gì viết chữ đẹp, nhưng chỉ vài buổi chờ đón cháu nghe thầy giáo giảng dạy về cái đẹp của con chữ mình đã bị cuốn hút. Vì vậy, dù công việc kinh doanh những ngày cuối năm bận rộn và nhà cách xa nơi học hơn 40 ki-lô-mét mình vẫn đều đặn đến trung tâm rèn luyện. Vui mừng nhất, cô con gái đang học lớp 3, mỗi khi viết chữ xấu, mình nhắc nhở, cháu đề nghị mẹ viết thử và thường chê chữ mẹ viết xấu hơn chữ viết của con, nhưng giờ đây cháu rất khâm phục mẹ. Thấy vậy, hai cô em gái của mình cũng đã đến với lớp luyện chữ”.
Thầy Trọng chỉnh sửa cách cầm bút cho học sinh. |
Rèn nét chữ luyện tính người
Thầy Bùi Xuân Trọng, chủ Trung tâm luyện viết chữ đẹp Hoa Đào (đường Tống Duy Tân, TP. Buôn Ma Thuột) tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thể dục Quốc phòng và đã làm nhiều công việc khác nhau, nhưng từ năm 2006 lại theo nghề của bố đi giảng dạy về cái đẹp của con chữ. Ngay bản thân thầy Trọng cũng không lý giải được, chỉ biết rằng thêm một học viên đăng ký học, một học viên chữ viết đẹp thì cảm giác vui sướng ùa về và gọi đó là căn duyên. Thầy Trọng tâm sự: “Chữ viết cũng như người vậy, nó phản ánh tính cách, sự kiên nhẫn, cẩn trọng và tính thẩm mỹ của người viết. Nét chữ không đơn thuần là chữ viết mà còn hàm chứa cảm xúc, tâm trạng, những ứng xử trong cuộc đời và bồi đắp tình cảm trong sáng của mỗi con người chúng ta”. Để viết được chữ đẹp không khó, nhưng cũng chẳng dễ. Chữ đẹp không phải do năng khiếu mà phụ thuộc vào tính kiên nhẫn, cẩn thận của mỗi người. Với suy nghĩ ấy, thầy Trọng dành phần lớn thời gian rèn luyện nết người cho học viên bắt đầu từ những việc rất nhỏ: đi học đúng giờ, chấp hành tốt nội quy của lớp học, dáng ngồi thẳng, thong dong, cách cầm bút đúng, cách đặt vở ngay ngắn…trong đó đặc biệt chú ý rèn chữ cho học sinh nhỏ tuổi. Nguyên nhân của viết chữ xấu là do cách cầm bút sai, do đó thầy đã tập trung chỉnh sửa và hướng dẫn các em cách cầm bút. Trong quá trình giảng dạy, thầy Trọng phân chữ thành nhiều nhóm với các tên gọi dễ thương, ngộ nghĩnh như: ốc biển, tia nắng ban mai, gậy thần như ý, giọt sương trĩu nặng…giúp học viên cảm thấy thú vị. Với mỗi nhóm chữ thầy luôn dẫn dắt, minh họa bằng những mẩu chuyện vui, hình ảnh sinh động, câu thơ dí dỏm… học tập được từ các đồng nghiệp và sự sáng tạo của bản thân.
Đã có trên một nghìn học sinh hoàn thành các khóa rèn chữ đẹp. Mỗi bài kiểm tra cuối khóa có một nét đẹp riêng, được kết tinh không chỉ bởi nét bút mà còn là tình cảm, niềm say mê của người học. Niềm vui, sự tự tin của mỗi học viên sau khi từ viết chữ xấu trở thành viết chữ đẹp cũng chính là niềm hạnh phúc đó cho những ai đã trót “mang nghiệp” giảng dạy về cái đẹp của con chữ.
Hai năm một lần ngành Giáo dục đều tổ chức Cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” cấp tỉnh cho giáo viên và học sinh. Cuộc thi là sân chơi trí tuệ, khuyến khích các em học sinh rèn nét chữ và có những giây phút thư giãn, thoải mái sau giờ học căng thẳng. Đồng thời có tác động thúc đẩy và phát huy vai trò của người giáo viên, động viên khích lệ các thầy cô giáo chăm lo rèn luyện chữ viết và duy trì những nền nếp thói quen tốt trong học tập của học sinh. Rèn chữ không chỉ là rèn tính kiên trì, cẩn thận mà trên hết còn rèn tính kỷ luật và văn hóa viết, ông Phạm Văn Nhăm, Trưởng Phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT) nói”.
Tuyết Hoa
Ý kiến bạn đọc