Multimedia Đọc Báo in

Gia đình có 3 người con hiếu học

17:12, 29/06/2012

Mỗi buổi sáng, các em nhỏ trong tổ 80, khối 8, buôn Ki, phường Thành Nhất (TP.Buôn Ma Thuột) lại tập trung tại nhà bà Trần Thị Phường để được “thầy giáo” Khổng Quang Ninh (sinh viên năm thứ nhất Khoa Sư phạm Tin - Trường Đại học Tây Nguyên) – con trai cả của bà Phường, giảng bài hoặc giải đáp những bài học trên lớp mà các em chưa hiểu. Dạy kèm học sinh ngoài giờ lên lớp đã trở thành công việc làm thêm của Ninh, vừa để thực hành sư phạm, vừa có thêm ít thu nhập trang trải cho học tập.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại là con lớn trong gia đình, từ nhỏ Ninh đã phải vừa học vừa làm thêm giúp đỡ bố mẹ. Tốt nghiệp lớp 12 năm 2009, Ninh vừa học lớp Trung cấp Luật vừa ôn thi đại học rồi thi đỗ một lúc hai trường đại học. Trước tinh thần học tập và sự nỗ lực của con, bà Trần Thị Phường, mẹ của Ninh vui lắm. Bà kể: “Lúc trước cũng mong nó (Ninh) học xong rồi đi làm nhưng nó bảo học trung cấp Luật ra khó xin việc, lương cũng không cao nên nuôi ý định đi học tiếp. Là người mẹ nên mình cũng cố gắng cho nó đạt ước nguyện để không hối tiếc sau này.”

Ngoài người con cả Khổng Quang Ninh, bà Phường còn có hai người cũng rất ngoan ngoãn, chăm học và học giỏi. Cậu con trai thứ Khổng Quang Quyền năm nay 22 tuổi, hiện cũng đang học năm thứ hai Trường Cao đẳng Đông Du (Đà Nẵng). Học xa nhà, Quyền cũng gặp không ít khó khăn và thiếu thốn. Ngoài khoản tiền hằng tháng gia đình gửi ra, Quyền còn làm thêm để tự trang trải cho bản thân trong thời gian học tập. Khổng Quang Quỳnh, cậu em út trong nhà cũng noi gương hai người anh. Năm nay tốt nghiệp lớp 12 và đang ôn thi đại học, yêu thích ngành luật, Quỳnh đang ôn luyện để thi vào Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh.

Nuôi 3 người con ăn học trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn quả là một gánh nặng đối với vợ chồng bà Trần Thị Phường. Vốn quê ở Hà Nam, vào Dak Lak lập nghiệp từ năm 1995, gia đình bà từ hai bàn tay trắng phải đi làm thuê, ở nhà mướn, tích góp dành dụm mấy năm mới mua được căn nhà nhỏ và ba sào rẫy cà phê. Thiếu vốn làm ăn, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Ông Khổng Quang Thành - chồng bà nhận hợp đồng vườn cà phê rồi đi làm bảo vệ vườn dù tuổi đã qua ngưỡng 50. Lương cũng chỉ đủ ăn chứ  dành dụm không được bao nhiêu. Hơn 50 tuổi, bà Phường vẫn phải đi làm thuê; cắt cành, nhổ cỏ, làm vườn, trồng tỉa.. ai thuê việc gì cũng làm. Cuộc sống vất vả, sức khỏe lại không ổn định, nhiều hôm đi làm về bà đau đầu, nóng sốt, phải nằm dưỡng bệnh mất mấy ngày. Vất vả là vậy nhưng bà cố gắng vượt qua, làm lụng và dành dụm để nuôi các con ăn học. Ngoài 3 sào cà phê, hiện gia đình bà còn nuôi heo và ngan; tổng thu nhập mỗi năm chỉ khoảng 40-50 triệu đồng. Nhìn cậu con út đang ôn thi đại học, bà Phường không giấu được nỗi lo: “Nếu con thi đỗ, mình mừng nhưng cũng lo lắm, chỉ sợ không thể trang trải nổi chi phí cho 3 đứa con cùng học. Nhưng dù thế nào thì cũng phải cố gắng, chỉ mong các con học hành thành tài, trở thành người có ích cho xã hội”.

H'Xíu Hmok


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.