Con hư từ những sai lầm trong giáo dục của gia đình
Nói tục, bạo ngôn là một hiện tượng phổ biến ở nhiều gia đình hiện nay. Những lời mắng nhiếc của bố mẹ khiến con trẻ bị những áp lực tâm lý rất nặng nề. Chúng có thể trở nên lầm lì ít nói, trầm cảm hoặc trở nên hung bạo với những người khác…
Ngộ độc... tâm hồn
Không phải ngẫu nhiên mà trẻ em nói bậy. Nếu người lớn không truyền cho chúng thứ ngôn ngữ ấy thì chúng không tự “sáng tác” được. Khi người lớn có thói quen sử dụng ngôn từ “chợ búa” với nhau, họ sẽ “áp dụng” luôn với con cái mình. Họ không để ý rằng khi họ mắng tới tấp vào những gương mặt non nớt thì cũng chính là lúc họ đầu độc tâm hồn trẻ thơ, và cũng là một kiểu bạo hành trẻ em. Bình thường, chỉ cần một lời nói hơi nặng nề của bố mẹ đã khiến trẻ tủi thân, muốn khóc. Vì vậy, khi ngày nào cũng bị vô vàn lời mắng nhiếc, chúng sẽ càng tủi thân, ấm ức mà không có cách gì giải thoát.
Hàng xóm luôn bị chói tai vì kiểu nói năng của chị Lan với các con. Có hôm bé Thùy Linh, con gái lớn chị bị trượt chân ngã, cháu chưa kịp khóc vì đau thì nước mắt đã chảy vì lời mắng của mẹ: “Dở hơi vừa thôi chứ, mắt mũi để đâu hả? Chỉ được cái dán mắt vào ti vi điện tử, ngoài ra, chẳng làm gì cho nên hồn”. Lần khác, Linh dẫn bạn bè về chơi, vừa mang bánh kẹo lên cho các bạn thì chị đi làm về, thấy nhà cửa bừa bãi, chị ầm ầm xông thẳng lên phòng con mà quát: “Đã không biết làm thì đừng có phá nhé! Tao đi làm về mệt rồi còn phải hầu mày nữa à”. Linh chỉ biết cúi đầu im lặng, còn đám bạn lấm lét ra về, từ đó chẳng có bạn bè nào dám đến nhà chơi với cô bé nữa, và cũng từ đó nó xa dần mẹ. Mỗi khi bố về, Linh thút thít kể chuyện, song nếu chồng góp ý thì cũng bị chị Lan cho nếm đòn: “Ông có “ngon” thì về mà dạy con yêu tinh nhà ông đi. Tôi không có thời gian, sức lực mà nhẹ nhàng dịu dàng với nó đâu”.
Dạy con bằng ngôn từ...chợ búa
“Thằng kia, tao nuôi mày để rồi mày học hành ngu như bò thế hả? Suốt ngày chỉ biết tít mít với mấy thằng mất dạy khác. Mai mà còn điểm thấp nữa thì tao chẻ mày làm đôi…”. Trước đây, mỗi khi bị mẹ mắng như vậy, cậu bé An chỉ biết khóc lóc hoặc chạy sang nhà hàng xóm kể lể. Nhưng càng lớn, An càng trở nên lầm lì, ít nói, em tỏ ra xa lánh mọi người.
Bắt đầu từ khi An ghi nhớ được các sự kiện xảy ra xung quanh, cũng là lúc trí nhớ của em bị “nhồi nhét” bởi những ngôn từ “chợ búa” của bố mẹ. Ngày nào bố mẹ em cũng dành cho hai đứa nhỏ những “bản tình ca bất hủ”. Chỉ cần con làm trái ý là bố mẹ em lại quát tháo ầm ĩ: “Con cái rõ khốn nạn, mày học thế thì học làm quái gì, tao hộc mặt ra kiếm tiền cho mày à? Đồ vô dụng…”. An tâm sự, những lúc học bài căng thẳng quá, trong đầu em lại vang lên những câu chì chiết, đay nghiến của bố mẹ.
Để khỏi bị mắng, An chỉ biết chăm học, cố gắng ngoan ngoãn lễ phép. Nhưng dù cho An không có lỗi mà đưa em gái gây tội thì cả hai đều chịu trận. Khác với anh, cô em gái An càng bị mắng càng nghịch. Nó cũng nói tục chửi bậy như bố mẹ, xưng “mày-tao” với bạn, và sẵn sàng xả cả tràng ngôn ngữ bậy bạ vào mặt người khác nếu không làm vừa ý nó. Mới lên 13 tuổi nhưng nó đã là đại ca của bọn trẻ trong nhà trẻ.
Cho nên ca dao xưa có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Còn ngày nay: “Con hư tại mẹ, tại cha
Cháu hư là tại cả bà lẫn ông” là như thế đấy.
Hồng nguyên
Ý kiến bạn đọc