Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam (khu vực Tây Nguyên): Cần sự đầu tư đồng bộ
Nhiều vấn đề thời sự của giáo dục Việt Nam và vùng Tây Nguyên đã được những nhà giáo từng làm công tác quản lý và trực tiếp giảng dạy “mổ xẻ” tại Hội thảo “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam” do Hội Cựu giáo chức Việt Nam tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào trung tuần tháng 6-2012. Cùng với đó là những kiến nghị, giải pháp để đạt được mục tiêu Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020…
Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Dak Lak đã được đầu tư trang thiết bị đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong ảnh: Học sinh tham gia kỳ thi Olympic tiếng Anh qua mạng Internet cấp quốc gia năm học 2011-2012). |
Bà H’Ngăm Niê Kdăm, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên:
Tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số
Công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhất là hệ thống trường dân tộc nội trú được mở rộng đến từng địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến trường. Song thiết nghĩ nên có chính sách đặc thù cho các trường phổ thông dân tộc nội trú như trường học sinh miền Nam trước đây thì Tây Nguyên mới có đội ngũ cán bộ dân tộc chất lượng. Mặt khác cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số về học bổng, chỗ ở nội trú để các em yên tâm học tập. Ở một số cơ sở giáo dục, chế độ ăn của học sinh dân tộc thiểu số thấp, đơn cử tại Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên là 340.000 đồng/tháng, như vậy bình quân mỗi ngày một học sinh chỉ có 11.300 đồng/3 bữa ăn. Qua khảo sát, hiện nay vẫn còn tình trạng một số học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được tiếp nhận vào học theo chế độ cử tuyển, nhưng vẫn phải tự thuê phòng trọ bên ngoài để ăn, ở…
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường Đại học Tây Nguyên:
Khẩn trương chuẩn hóa đội ngũ quản lý, giáo viên
Trong hơn 26 năm đổi mới, nền giáo dục Việt Nam đã phát triển khá nhanh về quy mô trường lớp, cơ cấu ngành nghề đào tạo, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người. Nhận thức của cá nhân, gia đình, xã hội về đầu tư cho giáo dục đã được nâng lên, từ đó nâng cao trách nhiệm, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xây dựng xã hội học tập, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, đất nước. Song từ thực tế cho thấy, nền giáo dục Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập nhất thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện. Công tác quản lý giáo dục vẫn còn nhiều bất cập, cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới; hệ thống các trường sư phạm chưa phát triển tương xứng với sự phát triển của đất nước; cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, chính sách tiền lương, phụ cấp thâm niên chưa thu hút người giỏi, có tâm huyết, gắn bó với ngành Giáo dục; nội dung chương trình sách giáo khoa mặc dù có thay đổi nhưng còn nặng nề; nội dung và phương pháp giảng dạy ở hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và đại học chưa đúng phương châm: cơ bản, hiện đại và sát với thực tiễn… Để khắc phục tình trạng này, cần thay đổi cách dạy và học để học sinh chủ động tham gia vào việc xây dựng nội dung bài học trên lớp, giảm số giờ học lý thuyết, tăng số giờ thâm nhập thực tế, phối hợp với các cơ sở sản xuất có liên quan trực tiếp với ngành học để học sinh từng bước tiếp cận quy trình công nghệ, các thao tác cơ bản, kinh nghiệm thực tế để khi ra trường có thể làm việc được ngay. Quan trọng hơn cần khẩn trương chuẩn hóa đội ngũ quản lý, giáo viên, giảng viên trong hệ thống giáo dục quốc dân đối với từng môn học, ngành học, vì đây là cốt lõi tạo nên chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về trình độ, năng lực thực hành và phẩm chất đạo đức.
Nhà giáo Ưu tú Thái Quang Nhạn, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Kon Tum:
Nhân rộng mô hình trường bán trú dân nuôi
Vấn đề lớn nhất mà giáo dục vùng Tây Nguyên đang đối mặt là tình trạng thiếu trường lớp học. Riêng bậc học mầm non, toàn vùng còn 103 xã chưa có trường độc lập; số phòng học tạm, học nhờ vẫn còn nhiều. Vì thiếu trường, lớp học nên chất lượng giáo dục của vùng Tây Nguyên thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước; tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng tăng. Năm học 2009-2010, tỷ lệ học sinh bỏ học của các tỉnh Tây Nguyên chiếm 1,04% (cả nước là 0,96%). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, nhưng sâu xa là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhà ở cách xa trường, tự ti, mặc cảm do học lực yếu. Vì vậy, trong những năm tới cần bảo đảm đủ trường, lớp học, đội ngũ giáo viên cho các trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là giáo viên dạy tiếng dân tộc như: Êđê, M’nông, Jarai, Xơ đăng, Ba na…. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, tăng quy mô tuyển sinh vào các trường nội trú và dự bị đại học. Nhu cầu đầu tư cho giáo dục lớn trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, vì vậy cần nhân rộng mô hình trường bán trú dân nuôi để tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số nhà ở cách xa trường yên tâm học tập. Thực tế những năm vừa qua, ngành Giáo dục một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Kon Tum đã mạnh dạn xây dựng mô hình trường bán trú và đã đạt được kết quả nhất định, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Ông Hà Ngọc Đào, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Dak Lak:
Giáo dục vùng Tây Nguyên cần được đầu tư gấp 3-4 lần so với vùng đồng bằng
Hệ thống giáo dục của tỉnh Dak Lak hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến đại học, cơ bản giải quyết nhu cầu học tập, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 5/184 xã, phường chưa có trường mầm non; 281/2.218 thôn, buôn chưa có lớp mẫu giáo; số trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ chỉ mới đạt 7,73% (năm học 2010-2011, tỷ lệ này của toàn quốc là 21,5%); mẫu giáo 75,13%, so với mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 còn quá xa, nhất là trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ (ít nhất 30% trẻ được đi học). Từ những khó khăn của giáo dục Dak Lak nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung, theo tôi Nhà nước cần đầu tư toàn diện, đồng bộ, đặc biệt gấp 3-4 lần so với đầu tư cho vùng đồng bằng. Chưa hết, do đặc điểm của ngành Giáo dục là đào tạo và bồi dưỡng con người nên nhanh chóng giải quyết dứt điểm những tiêu cực trong ngành: tệ nạn học thêm tràn lan, mua điểm, mua bằng, thuê người học hộ… Một vấn đề có tính chất quyết định, cần tập trung giải quyết là đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục. Muốn xây dựng đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý giáo dục có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn giỏi phải bắt đầu từ sự hấp dẫn của ngành Sư phạm và nhất thiết phải cải thiện, sửa đổi cách tuyển dụng, cách đào tạo trong trường sư phạm, chọn những người giỏi và yêu nghề sư phạm. Bản thân mỗi cán bộ, giáo viên cũng phải nghiêm túc học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ, thực hiện bằng được “mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, học tập và sáng tạo”.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc