Multimedia Đọc Báo in

Đồng vốn nâng những bước chân đến trường

22:48, 20/07/2012

Đó là tâm sự của hầu hết các bậc phụ huynh nghèo khi nói về Chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên (HSSV). Theo họ, nếu không có nguồn vốn này, việc theo học lên bậc đại học, cao đẳng v.v… của con em họ sẽ rất nhọc nhằn, có thể “gãy gánh” bất kể lúc nào…

Thu nhập từ việc làm bánh in của bà Lai (người bên phải) chỉ đủ đắp đổi qua ngày, việc học của các con phải nhờ hẳn vào vốn vay từ Chương trình tín dụng HSSV.
Thu nhập từ việc làm bánh in của bà Lai (người bên phải) chỉ đủ đắp đổi qua ngày, việc học của các con phải nhờ hẳn vào vốn vay từ Chương trình tín dụng HSSV.

Với các gia đình nghèo, khi nhận được giấy báo con em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp luôn có tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Vui vì sau bao năm đèn sách con em đã đỗ đạt, cơ hội tiến thân của người nghèo đã mở ra. Song, đan xen niềm vui đó là nỗi lo tiền bạc chu cấp cho con em ăn học suốt mấy năm trời. Vợ chồng ông Hồ Hoàn Kiếm (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana), cách đây hơn 4 năm, có đứa con trai đầu lòng Hồ Hoàn Sơn khăn gói ra thành phố Đà Nẵng thi vào Trường Đại học Đông Á. Khi ấy, ông Kiếm nói vui với con rằng: “Nếu không thi đậu thì mày chết với tao. Còn nếu thi đậu thì… tao chết với mày”. Câu chuyện thoạt nghe thấy vui vui tai nhưng chứa đựng bao điều lo lắng, trăn trở của vợ chồng ông Kiếm trước nỗi lo: lấy đâu ra tiền nuôi con ăn học nếu con thi đậu. Mặc dù ông Kiếm rất chịu khó, suốt ngày bám theo các công trình xây dựng làm phụ hồ, những lúc rảnh việc thì ra thị trấn huyện chạy xe ôm, nhưng số tiền kiếm được cũng chỉ đủ để trang trải cho các nhu cầu thiết yếu nhất của gia đình mỗi ngày. Vì vậy, vợ chồng ông phải vay vốn từ Chương trình tín dụng HSSV để chu cấp cho con đi học ở Đà Nẵng. Ông Kiếm tâm sự: “Việc phải lo một số tiền lớn trang trải cho việc ăn học xa nhà của con là một bài toán khó đối với gia đình tôi. Thành thật mà nói, nếu không có nguồn vốn ưu đãi đó, có lẽ việc học của con tôi không được như ngày hôm nay”. Hiện tại, Hồ Hoàn Sơn đã tốt nghiệp và đang làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn huyện Krông Ana. Trường hợp của vợ chồng ông Trương Hữu Phán và bà Hồ Thị Thanh Lai (tổ dân phố 6, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) cũng vậy. Cũng cần cù, chăm chỉ làm ăn như bao nhiêu người dân vùng đất nghèo Krông Bông này, nhưng kinh tế của gia đình ông không khá lên được. Ông Phán mắc căn bệnh dạ dày từ hàng chục năm nay, phải mổ đến 2 lần vẫn chưa khỏi hẳn, nên sức khỏe yếu, không làm việc nặng nhọc được. Từ ngày ông bị bệnh, số tài sản vợ chồng gây dựng được cũng lần lượt “đội nón” ra đi, gia đình ông trở thành hộ nghèo. Đất đai đã bán hết để lấy tiền chữa bệnh nên cả nhà phải trông chờ vào số tiền ít ỏi kiếm được từ việc làm dịch vụ xay xát lúa. Nhưng rồi, việc xay xát cũng ngày càng khó khăn, vì người dân chuyển sang mua gạo để ăn... Nguồn sống chính ngày càng “teo tóp”, hai vợ chồng bà Lai chuyển sang làm bánh in (loại bánh mà ngày nay người ta chỉ dùng để cúng là chính), thu nhập cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, nói chi đến việc trang trải học của con cái. Bà Lai tâm sự:  “Hiện vợ chồng tôi đang có 1 con học Quản trị Du lịch tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, 2 con học cao đẳng Tài chính-Ngân hàng tại Đại học Duy Tân (TP.Đà Nẵng). Nhà nghèo nên cả 3 đứa đều phải “dựa hẳn” vào số tiền vay được từ Chương trình tín dụng HSSV. Tính đến nay, tổng số tiền mà gia đình đã vay tại Phòng Giao dịch Krông Bông, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Dak Lak cũng vào khoảng 80 triệu đồng. Đây là số tiền “khổng lồ” so với gia đình tôi nên chúng tôi lo lắm. Nhưng cũng hy vọng các cháu ra trường, tìm được công ăn, việc làm để trả nợ…”. Trường hợp của gia đình bà H’Dzin Ênuôl, buôn Cuôr K’nia 4, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn cũng vậy. Do thiếu điều kiện sản xuất, chăn nuôi nên năng suất thấp, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình nên việc chu cấp cho các con theo học sau bậc phổ thông là khá khó khăn. Bà H’ Dzin nhớ lại: Năm 2006, cả nhà vừa vui, vừa lo khi Y Thoa Ênuôl (đứa con trai thứ hai) trúng tuyển vào Trường Trung cấp nghề Dak Lak (nay là Trường Cao đẳng nghề Dak Lak). Vui vì con đã biết vâng lời bố mẹ, không bỏ dở việc học như nhiều đứa bạn cùng trang lứa khác. Lo vì gia đình khó khăn, tìm đâu ra tiền để chu cấp cho con theo học tại TP. Buôn Ma Thuột. Trong lúc vợ chồng bà đang loay hoay chưa biết phải làm thế nào thì được mấy chị em trong Chi hội Phụ nữ buôn hướng dẫn đăng ký vay vốn Chương trình tín dụng HSSV và được Phòng Giao dịch Buôn Đôn giải quyết cho vay. Nhờ có số tiền này, Y Thoa mới có điều kiện đi học tiếp và đã tốt nghiệp. Sau Y Thoa, nhà H’Dzin còn vay vốn từ Chương trình tín dụng HSSV cho 3 con còn lại học cao đẳng, trung cấp nghề, gồm: Y Thu học chuyên ngành Y khoa tại Trường cao đẳng nghề số 8 (Đồng Nai), Thiên Tú Ênuôl học chuyên ngành Quản lý Đất đai tại Trường Trung học Thủy lợi 2 (Quảng Nam) và H’ Bia Jũ Diên Ênuôl học chuyên ngành Âm nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa). Tính đến nay, tổng số tiền mà gia đình bà đã vay cho 4 con đi học xấp xỉ 69 triệu đồng.

Qua trao đổi, đa số người dân đã và đang vay vốn Chương trình tín dụng HSSV đều cho rằng, đây là chương trình mang ý nghĩa lớn, như chiếc “phao cứu sinh” của các gia đình nghèo, đã trợ giúp đắc lực và chắp cánh cho thế hệ trẻ vươn tới tương lai. Nói như ông Hồ Hoàn Kiếm: đây là chương trình tín dụng đi vào lòng người dân nghèo nhất, được bà con tâm đắc nhất vì nó xóa bỏ được sức ép và những lo âu, trăn trở đối với các bậc cha mẹ không có điều kiện tài chính, giúp các em HSSV thực hiện nguyện vọng chính đáng và những ước mơ cao đẹp của mình…

 Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.