Không chỉ là chuyện chiếc điện thoại...!
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 được Bộ GD-ĐT đánh giá diễn ra an toàn, nghiêm túc, có chất lượng. Trong khi hàng nghìn thí sinh (TS) đang hồi hộp chờ đợi kết quả thì cả nước có 321 TS đã tự đánh mất cơ hội bước vào giảng đường đại học trong năm học này do vi phạm quy chế.
Đáng tiếc số TS bị đình chỉ vì đem điện thoại di động vào phòng thi vẫn chiếm số lượng lớn. Tại Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Tây Nguyên trong cả 2 đợt thi có 9 TS trong tổng số 13 trường hợp vi phạm quy chế bị đình chỉ vì đem điện thoại vào phòng thi. 9 trường hợp vi phạm này đều nêu lý do là…quên! Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Tây Nguyên tiếc nuối: “Mặc dù biết các em không cố ý nhưng mang điện thoại vào phòng thi là vi phạm quy chế nên cán bộ coi thi phải lập biên bản”
“Tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào trong phòng thi” là quy định hoàn toàn không xa lạ với TS dự thi ĐH, CĐ vì đã được Bộ GD-ĐT quy định từ nhiều năm qua. Hằng năm, vào đầu mỗi mùa tuyển sinh, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục tuyên truyền sâu rộng quy định này. Chưa hết, trong ngày làm thủ tục dự thi và trước mỗi buổi thi, cán bộ coi thi lại phổ biến kỹ, đầy đủ các quy định của quy chế; đồng thời nhắc nhở TS những vật dụng không được phép mang vào phòng thi, trong đó có điện thoại di động nhằm tránh những sai sót đáng tiếc. Liệu rằng, một quy định “tối quan trọng” như vậy TS có thể “quên”? Có TS đang làm bài, chợt nhớ điện thoại còn để trong túi nên tự giác lên nộp cho cán bộ coi thi; có trường hợp đã làm xong bài, trong lúc chờ cán bộ coi thi đọc tên nộp bài đã lấy điện thoại ra chơi và có TS chủ quan cho rằng điện thoại đã tắt nguồn nếu mình không nói thì không ai phát hiện, nhưng lại quên mất trước đó do đã cài đặt chế độ hẹn giờ nên đến giờ hẹn thì điện thoại đổ chuông… Dù vô tình hay cố ý thì nhiều TS đành phải “ngậm ngùi” rời phòng thi, khép lại 12 năm “dùi mài kinh sử” với bao sự kỳ vọng của bản thân, gia đình trong sự hối tiếc chỉ vì quên quy định quan trọng này!
Kỷ luật trường thi đang ngày càng được siết chặt với sự giám sát đa chiều của xã hội, thì đâu đó tại các hội đồng tuyển sinh vẫn còn một số ít TS ý thức chấp hành kỷ luật chưa cao. Thiết nghĩ ngoài nỗ lực học tập để trang bị kiến thức cần thiết, kỹ năng làm bài, TS cần chấp hành nghiêm quy chế thi. Chỉ mới là một vài quy định cụ thể của Quy chế thi mà đã “quên” thì liệu trong tương lai gần những sĩ tử này có thể trở thành những trí thức giỏi về trình độ chuyên môn, năng lực thực hành và phẩm chất đạo đức? Vấn đề này, một lần nữa khiến xã hội bận tâm!
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc