Multimedia Đọc Báo in

Quay cóp thời hiện đại

20:37, 15/09/2012

Anh hàng xóm than thở rằng mới vào lớp 10, đứa con gái đầu đã về đòi ba mẹ phải mua bằng được cái điện thoại di động đời mới có kết nối Internet. Nhà anh cũng không khá giả gì. Tôi giật mình bảo anh đừng chiều con quá mà nó hư, trẻ mới lút chút mà đã đòi mua điện thoại để nhắn tin, chát chít yêu đương, học hành thì chểnh mảng. Nghe vậy, anh mới nhăn mặt có vẻ khó xử lắm. Thật ra vấn đề còn nghiêm trọng hơn tôi nghĩ.

Theo như lời con gái anh kể thì vào năm học mới, ngay ở bài kiểm tra môn Văn đầu tiên, đa phần các bạn gia đình khá giả trong lớp của nó đều thực hiện “mánh” giở tài liệu bằng… điện thoại. Đọc đề bài xong, cứ mở điện thoại, tra trên mạng Internet đề văn giống hoặc tương tự như vậy rồi chép vào, có bao nhiêu chép bấy nhiêu. Cô cũng không hỏi han gì, chỉ ngồi đọc báo, lâu lâu liếc xuống xem học sinh có giở sách tham khảo ra chép không mà thôi. Và lại, cô có hỏi thì chỉ cần bấm 1 nút tắt là chứng cớ không còn nữa. Cô có hỏi nữa thì bảo em nhắn tin về nhà có việc trao đổi với gia đình. Vậy là qua buổi kiểm tra.

Theo lời cô con gái anh hàng xóm của tôi, điều lạ là khi bài chấm xong, những bài chép trực tuyến  trên Internet lại được điểm cao, còn nhiều bài do học sinh chăm chú tự lực làm lại điểm thấp. Vì vậy, lo sợ bài kiểm tra lần sau điểm có nguy cơ tiếp tục xuống thấp, cô bé và một số bạn trong lớp rủ nhau mua điện thoại đời mới có ứng dụng truy cập Internet để vào mạng chép bài, không những môn văn mà còn nhiều môn khác sau này nữa. Chúng thuyết phục ba mẹ rằng đây là việc “đầu tư” hoàn toàn có lợi và còn là lợi ích lâu dài nữa. Nếu như đầu tư vào học kèm, mỗi tháng tốn ít nhất khoảng 100.000 đồng/môn, chưa tính đến chuyện tốn thời gian, xăng xe đi lại. Đằng này, cứ “đầu tư 1 lần” với “vốn” chỉ có vài triệu đồng mà lợi ích sẽ là rất nhiều và thiết thực. Nghe tới đó, tôi ngã ngửa người ra.

Hiện nay, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, nhất là điện thoại di động ngày càng được nhiều người sử dụng thì những vấn nạn trong học đường ngày càng gia tăng. Cả nước vẫn chưa hết bức xúc về những vụ nữ sinh đánh nhau, lột quần áo nhau rồi dùng điện thoại quay phim, tải lên mạng. Và chép tài liệu trên Internet cũng là một vấn nạn không nhỏ trong nhà trường hiện nay. Điều khó hiểu là tại sao các thầy cô giáo lại để các em ngang nhiên xem tài liệu bằng điện thoại trong giờ kiểm tra như vậy mà không có biện pháp gì ngăn chặn? Nguy hiểm hơn, ở môn Văn, như trường hợp vừa nêu, bài chép lại trên Internet lại được điểm cao hơn bài tự làm. Hỏi còn đâu tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh?

Rất mong ngành giáo dục nói chung và từng thầy cô giáo nói riêng cần thực sự có trách nhiệm hơn trong những giờ kiểm tra của mình cũng như trong việc chấm bài kiểm tra môn mình. Bởi như vậy mới có thể tạo nên sự công bằng và niềm tin cho học sinh hơn khi đến lớp.

Nguyễn Thành Giang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.