Để “thân thiện, tích cực” không là khẩu hiệu!
Không chỉ ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển mà những ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh cũng như được khoác “chiếc áo mới” sau 4 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Các em học sinh Trường THCS Cao Bá Quát, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) tham gia trồng cây xanh trong khuôn viên trường. Ảnh: H.G |
Điểm nổi bật nhận thấy ở mỗi nhà trường là cảnh quan ngày càng khang trang, sạch đẹp, an toàn hơn. Hầu hết các trường có khuôn viên cây xanh, cây cảnh thoáng mát, luôn sạch đẹp và có đủ bàn ghế phù hợp với lứa tuổi học sinh. Quan trọng hơn, phong trào thi đua đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên khi ngày càng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm, lứa tuổi học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đáng ghi nhận là dẫu nguồn kinh phí còn hạn hẹp, các trường vẫn chủ động, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, cuộc thi, hội thi… tạo sân chơi bổ ích, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống. Song tiếc rằng tại một số trường, phong trào thi đua mới chỉ là khẩu hiệu! Điều này cũng dễ chia sẻ, cảm thông bởi cơ sở vật chất của nhiều trường còn tạm bợ, phải mượn hội trường thôn, buôn làm phòng học hay một trường vẫn có nhiều cấp học, phụ huynh chưa mặn mà việc học của con em. Không ít cán bộ quản lý, giáo viên các trường vùng sâu, vùng xa chia sẻ: Phong trào rất có ý nghĩa, nhưng để xây dựng được môi trường giáo dục thân thiện, tích cực thì “lực bất tòng tâm”. Khó có thể “thân thiện, tích cực” khi sân trường chưa được bê tông, lớp học tạm bợ, nhà vệ sinh không bảo đảm, không có công trình nước sạch …”. Tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm nhấn mạnh phong trào đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong đời sống tinh thần cũng như trong hành động của học sinh. Tuy phong trào của ngành Giáo dục nhưng trong triển khai thực hiện không thể thiếu vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương… nhằm tạo thêm “lực đẩy” cho các trường phát triển.
Phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực sẽ trở nên ý nghĩa và có sức lan tỏa sâu rộng hơn nếu huy động tốt sức mạnh tổng hợp trong và ngoài nhà trường.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc