Multimedia Đọc Báo in

Một cách chống nạn dạy thêm, học thêm

14:19, 17/11/2012

Theo quy định mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm thì tiền dạy thêm học thêm trong nhà trường sẽ được trả trực tiếp cho giáo viên giảng dạy, công tác quản lý dạy thêm, học thêm; bao gồm: tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ. Mức thu này do nhà trường và phụ huynh tự thỏa thuận. Bên cạnh đó, giáo viên đang dạy chính khóa thì không được dạy thêm khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường rất khó kiểm soát bởi diễn ra dưới nhiều hình thức và địa điểm, giờ giấc khác nhau.

Một phòng dạy thêm THPT ( Ảnh minh họa)
Một lớp dạy thêm THPT ( Ảnh minh họa)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta đa số các trường đã chấm dứt nạn dạy thêm, học thêm tràn lan do sự quán triệt gắt gao của UBND tỉnh, huyện và các Phòng Giáo dục và Đào tạo. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số giáo viên thiếu lương tâm và trách nhiệm “ép” học sinh phải đi học thêm để thu lợi cho mình, gây nhiều bức xúc cho cha mẹ và cả cho chính các em học sinh. Cách ép của những giáo viên này phần lớn là ở lớp họ dạy hời hợt nhưng ở nhà dạy lại rất tận tình và nếu em nào không đến nhà họ để học thêm thì sẽ không đạt điểm cao môn đó, thậm chí bị điểm rất thấp. Hậu quả là học sinh đó vừa yếu kiến thức lại vừa không bảo đảm học lực để lên lớp, nhất là đối với cấp THPT nếu học sinh yếu kiến thức thì khó mà có thể thi đỗ vào các trường đại học. Việc quản lý của ban giám hiệu, tổ chuyên môn đối với những giáo viên này không dễ vì họ có giáo án, đồ dùng dạy học bảo đảm, ra vào lớp đúng giờ. Điều quan trọng nhất là thái độ dạy hời hợt thường xuyên xảy ra mà ban giám hiệu, tổ chuyên môn lại không bắt được quả tang vì nếu đến dự giờ thì họ lại dạy nghiêm túc. Đã từ mấy năm gần đây, để tuyên chiến với nạn dạy thêm, học thêm các cấp quản lý giáo dục đã đưa ra rất nhiều phương án, song với những trường hợp cố tình “lách” quy định thì vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Thiết nghĩ, các trường nên để cho học sinh tuyên chiến với tệ nạn này, bởi học sinh chính là những người theo sát giáo viên liên tục và lâu dài nhất. Các em có đủ khả năng nhận xét đúng thái độ, trách nhiệm dạy tận tình hay hời hợt trong các giờ lên lớp của các thầy cô giáo, kể cả học sinh tiểu học. Theo đó, nhà trường hãy hướng dẫn, yêu cầu các em bỏ thư vào hòm thư góp ý phản ánh cho ban giám hiệu biết giờ dạy của những giáo viên thiếu trách nhiệm một cách cụ thể, chi tiết, kịp thời. Những thư này học sinh không phải ký tên, có thể được đánh máy vi tính hoặc đánh giá tiết dạy thông qua một loạt câu trắc nghiệm để học sinh khoanh tròn vào đáp án thì giáo viên khó mà biết là em nào. Bên cạnh cách đánh giá kiểu này, nhà trường cần đưa vào nội quy từ đầu năm học với quy định: nếu giáo viên bị phản ánh dạy thiếu tận tình thì nhà trường sẽ nhanh chóng điều tra, xem xét, xử lý nghiêm túc với các mức độ từ nhắc nhở, phê bình đến đánh giá xếp loại, xét thi đua, thậm chí kỷ luật, hạ bậc lương, … một cách công khai, minh bạch.

Nguyễn Trung Thu


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.