Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập trong việc dạy nghề phổ thông

14:04, 10/11/2012

Trong khung phân phối chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh bậc THCS bắt đầu được học nghề từ cuối năm lớp 8. Mục tiêu quan trọng đầu tiên của chương trình dạy nghề còn là để phân luồng học sinh phổ thông sang đào tạo nghề, góp phần giải quyết tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Theo đó, học sinh có chứng chỉ học nghề sẽ được cộng điểm khuyến khích trong xét tốt nghiệp THCS, tuyển sinh vào lớp 10 và trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong thực tế dạy và học cũng như tổ chức các kỳ thi nghề thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập khiến cho những mục tiêu trên khó có thể đạt được.

Điều đáng nói đầu tiên là sự chồng chéo trùng lắp của học nghề phổ thông với bộ môn Công nghệ trong chương trình chính khóa. Bởi trong bộ môn Công nghệ có cả những tiết dạy chẳng khác gì dạy nghề phổ thông.  Bên cạnh đó, chương trình dạy nghề nhìn chung còn mang nặng tính lý thuyết, điều kiện cơ sở vật chất để học sinh thực hành chưa bảo đảm, nên tình trạng dạy “chay”, học “chay” là điều tất yếu, chính từ đó đã tạo cho học sinh tâm lý bị động, không có hứng thú đối với các tiết học nghề. Đơn cử: Học nghề chụp hình mà không có máy ảnh để các em thực hành, học nghề điện dân dụng chỉ là lắp ghép trên sa bàn, học nghề trồng cà phê mà các em chỉ ngồi nghe giáo viên dạy bằng lí thuyết ở trong lớp… Bên cạnh đó, việc bố trí giáo viên chuyên trách dạy nghề cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các giáo viên bộ môn Vật lý, Kỹ thuật, Sinh học, Công nghệ thường được phân công “kiêm” luôn việc dạy nghề vì thấy bộ môn có nét tương đồng với nghề. Thậm chí có nhiều giáo viên không có nghiệp vụ cũng được bố trí dạy! Người dạy thì do sức ép từ trách nhiệm được phân công mà phải lên lớp, trong khi người học đến lớp học nghề phần lớn chỉ vì để có chứng chỉ nghề, từ đó được cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi chuyển cấp hoặc tốt nghiệp THPT... Bởi vậy các lớp dạy nghề ở các trường phổ thông hầu như không có chất lượng.

Thực hành dạy nghề. (Ảnh minh họa)
Thực hành dạy nghề. (Ảnh minh họa)

Qua khảo sát nhiều năm, tại Dak Lak, thực trạng học sinh THCS sử dụng những kiến thức thu nhận được từ việc học nghề trong nhà trường để có thể lập nghiệp trong tương lai rất ít. Sau khi học hết THPT các em thường đăng kí thi vào một trường đại học, cao đẳng nào đó. Mặt khác, về phía phụ huynh, họ sẵn sàng nộp tiền cho con để tham gia học nghề phổ thông không phải vì động cơ để con học được cái nghề đúng nghĩa mà cũng chỉ vì điểm ưu tiên được cộng thêm qua xét và thi tốt nghiệp các cấp. Các trường THCS, THPT động viên học sinh tham gia học nghề cũng không ngoài mục đích chính là sẽ có thêm nhiều học sinh được xét đỗ tốt nghiệp nhờ vào việc cộng điểm khuyến khích do có chứng chỉ nghề phổ thông để lấy thêm thành tích. Do tham gia học nghề theo kiểu lấy lệ, đối phó, không ít học sinh được cấp giấy chứng chỉ nghề loại khá, giỏi hẳn hoi nhưng không bao lâu sau, những kiến thức thu được từ lớp học nghề đã “rơi rụng” hết. Một thực trạng khác là hiện nay các học sinh không học nghề mình thích mà thường phải theo “số đông”; ở một huyện nọ có những trường suốt nhiều năm chỉ cho học sinh đăng ký học hai nghề là điện dân dụng và trồng cây cà phê.

Ngoài những tồn tại trong công tác dạy và học nghề, việc tổ chức thi nghề phổ thông hiện nay cũng đang “có vấn đề”. Để tổ chức được một kỳ thi nghề, những người có trách nhiệm phải triển khai một khối lượng công việc lớn với chi phí không phải là nhỏ cho việc ra đề thi, thành lập hội đồng coi thi, thanh tra thi, hội đồng giám khảo chấm thi lý thuyết, thực hành… Trong khi đó, hiệu suất công việc của các bộ phận được phân công là chưa cao, nhất là bộ phận giám thị coi thi và thanh tra thi. Không ít người còn mang nặng tâm lý cả nể, dễ dãi, muốn “tạo điều kiện” cho học sinh có thêm một vài điểm khuyến khích nên việc thực hiện quy chế thi chưa thật nghiêm. Cũng bởi vậy nên tỷ lệ học sinh vượt qua kỳ thi nghề và có giấy chứng chỉ nghề của các trường thường đạt từ 99-100%, phần lớn đều xếp loại khá, giỏi. Học đối phó, thi hình thức và dễ dàng có được giấy chứng chỉ nghề cho mục tiêu cộng điểm khuyến khích, nhiều học sinh và các bậc phụ huynh đã có “cái nhìn thực dụng” về việc thi nghề phổ thông. Chưa kể đến sự lãng phí không phải là nhỏ về thời gian, chi phí của phụ huynh, học sinh và ngân sách Nhà nước. Nếu cho rằng việc dạy, học và thi nghề phổ thông là do nhu cầu của phụ huynh và học sinh, thì liệu rằng, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ chủ trương cộng điểm khuyến khích liệu học sinh có còn động lực để đăng ký theo học nữa hay không?

Có lẽ đã đến lúc các nhà nghiên cứu, lãnh đạo giáo dục nên cải tiến phương sách mới. Nếu tiếp tục duy trì dạy nghề phổ thông thì phải tập trung về chất lượng dạy và học. Còn nếu chất lượng dạy và học cũng như việc tổ chức thi nghề không được cải tiến về cơ bản, thì cần xem xét lại sự tồn tại của kỳ thi nghề phổ thông, để cho học sinh tìm kiếm nghề nghiệp ở các cơ sở dạy nghề hoặc thông qua kì thi đại học, cao đẳng hằng năm.

Nguyễn Trung Thu


Ý kiến bạn đọc