Multimedia Đọc Báo in

Từ tháng 11-2012 sẽ rà soát trình độ năng lực giảng viên ngoại ngữ

16:45, 11/11/2012

Bắt đầu từ tháng 11-2012, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức rà soát trình độ năng lực của đội ngũ giảng viên ngoại ngữ (trước mắt là giảng viên dạy tiếng Anh). Trên cơ sở kết quả khảo sát này, các đơn vị xây dựng và triển khai việc quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên tiếng Anh  bảo đảm đạt chuẩn năng lực theo quy định.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong hướng dẫn thực hiện kế hoạch triển khai Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 trong các cơ sở giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT vừa ban hành.

Cùng với công việc nói trên, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 của đơn vị mình; Xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020. Trong kế hoạch cần đánh giá hiện trạng dạy và học ngoại ngữ của đơn vị (số liệu sinh viên, đội ngũ giáo viên, chương trình giáo trình, trang thiết dạy & học ngoại ngữ...), mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện kế hoạch theo từng giai đoạn 2012-2015 và 2016-2020.

Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ kinh phí cho các trường ĐH để bồi dưỡng ngắn hạn (dưới 3 tháng) và dài hạn (từ 6 tháng – 1 năm) ở nước ngoài đội ngũ giảng viên tiếng Anh cốt cán và đề nghị các trường lập danh sách cử giảng viên tiếng Anh cốt cán đi đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài theo lộ trình từ năm 2013-2015, mỗi năm 1 người.

Để bảo đảm cho sinh viên ĐH, CĐ không chuyên ngữ sau tốt nghiệp có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (tương đương với trình độ B1 theo Khung tham chiếu Châu Âu), Bộ GD-ĐT đề nghị các trường xây dựng và triển khai chương trình dạy tiếng Anh tăng cường cho sinh viên. Các trường có thể liên hệ với Bộ phận thường trực Đề án ngoại ngữ 2020 để tham khảo Chương trình thí điểm dạy tiếng Anh tăng cường trong các trường ĐH, CĐ.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ hỗ trợ thành lập các Trung tâm ngoại ngữ xuất sắc (trước mắt tại Đại học Thái Nguyên, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh) nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ, đổi mới thi kiểm tra và đánh giá. Bộ GD-ĐT đề nghị các trường trên xây dựng đề án thành lập Trung tâm ngoại ngữ xuất sắc trình Bộ phê duyệt để triển khai thực hiện (thời gian thực hiện quý IV năm 2012).

Với các đơn vị có đủ điều kiện về chương trình, đội ngũ giảng viên cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai dạy một số môn học bằng tiếng Anh trong chương trình đào tạo của một số ngành (trước mắt tập trung vào các ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng và Du lịch và các ngành trọng điểm của trường). Trong kế hoạch cần nêu rõ đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, cách thức tổ chức đào tạo, thu học phí, thời điểm triển khai đào tạo, lộ trình thực hiện và báo cáo Bộ GD-ĐT.

Năm 2012, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ cho giảng viên các trường ĐH, CĐ và giao nhiệm vụ bồi dưỡng chương trình này cho một số cơ sở giáo dục đủ điều kiện thực hiện. Đề nghị các đơn vị lập kế hoạch cử các giảng viên ngành tiếng Anh chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ do các cơ sở giáo dục được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ để bảo đảm giảng viên đạt chuẩn trong đơn vị mình.

Theo mục tiêu của Đề án, năm học 2012-2013, sinh viên tốt nghiệp các trường CĐ chuyên ngữ tiếng Anh phải đạt trình độ năng lực tiếng Anh bậc 4 và sinh viên đại học chuyên ngữ tiếng Anh phải đạt bậc 5 để được cấp bằng tốt nghiệp. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường có kế hoạch triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ để đạt được các chuẩn đầu ra nói trên.

NH (Nguồn GD&TĐ)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.