Multimedia Đọc Báo in

Vì một môi trường giáo dục “3 không”

14:47, 16/12/2012

Nỗ lực của ngành Giáo dục trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh, đặc biệt trên lĩnh vực phòng chống tội phạm, ma túy, buôn bán người (3 không) đã đem lại kết quả, nhất là khi toàn ngành thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”. Đại bộ phận học sinh đã ý thức việc tuân thủ pháp luật, ý thức trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

 Phần thi tiểu phẩm của Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Dak Lak tại Hội thi “Tuổi trẻ học đường với công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống mua bán người” năm 2012.
Phần thi tiểu phẩm của Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Dak Lak tại Hội thi “Tuổi trẻ học đường với công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống mua bán người” năm 2012.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh được triển khai thực hiện đa dạng về hình thức, nội dung thiết thực. Không chỉ bó hẹp trong chương trình nội khóa ở các bộ môn Giáo dục công dân, Sinh học…, hầu hết các trường học đã tổ chức nhiều sân chơi với hoạt động ngoại khóa phong phú, hấp dẫn thu hút đông đảo học sinh tham gia và được phụ huynh nhiệt tình ủng hộ. Các trường tiểu học, trung học cơ sở đều có đội tuyên truyền măng non, chương trình phát thanh, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật thông qua những câu chuyện giản dị, dễ hiểu về phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Còn các trường THPT thì tổ chức diễn đàn với các chủ đề như “Văn hóa ứng xử trong học đường”, “Phòng chống bạo lực học đường, “Tuổi trẻ học đường sống đẹp sống có ích”…Mặc dù kinh phí và phương tiện phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống ma túy, tệ nạn rất hạn hẹp nhưng Sở GD-ĐT vẫn thường xuyên tổ chức các hội thi giúp học sinh nâng cao hiểu biết pháp luật. Điển hình là Hội thi vẽ tranh phòng chống ma túy học đường dành cho học sinh thu hút 64 đơn vị tham gia với 550 bức tranh; Hội thi giáo viên, học sinh giỏi cấp tỉnh  môn Giáo dục công dân và phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 với trên 230 giáo viên, học sinh của 45 trường THPT tham gia… Đây là năm học đầu tiên ngành Giáo dục đào tạo tổ chức thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân theo thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Tư pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy và học pháp luật theo hướng nâng cao tính chủ động, tích cực của người học, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh. Mới đây, Sở GD-ĐT tổ chức Hội thi “Tuổi trẻ học đường với công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống mua bán người” năm 2012. Qua 3 phần thi: hiểu biết kiến thức, hùng biện và  tiểu phẩm, HS đã  bày tỏ nhận thức, thái độ, tình cảm, quan điểm sống cũng như ý thức trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng.

Ngành Giáo dục còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật; in các tài liệu pháp luật cấp phát cho học sinh; tổ chức các chiến dịch, đợt cao điểm nhằm hướng học sinh tham gia vào các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội. Những hoạt động này đã làm chuyển biến nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, vì sự bình yên của mỗi gia đình, cộng đồng. Theo thầy Võ Ngọc Trịnh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Dak Lak cho biết, những kiến thức về pháp luật vốn khô khan, trừu tượng, nếu tuyên truyền theo văn bản, một cách máy móc học sinh sẽ rất khó tiếp thu. Vì vậy nhà trường vận dụng nhiều hình thức sinh động như: kể chuyện pháp luật, xây dựng các tiểu phẩm, sân khấu hóa, bằng hình ảnh, phim tư liệu, nói chuyện chuyên đề về các vụ án ở tuổi vị thành niên hay khuyến khích học sinh tự biên, tự diễn những vở kịch về chủ đề này, chú trọng nêu những tấm gương người tốt việc tốt, qua đó giáo dục, vun đắp ước mơ, hoài bão, từng bước chuyển biến nhận thức và hành vi của các em… Điều này được khẳng định mỗi khi đến hè có hàng trăm học viên viết đơn tình nguyện đăng ký tham gia hoạt động xã hội, vì cộng đồng như: chiến dịch Mùa hè xanh, chương trình Tiếp sức mùa thi…

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, các trường học hằng năm đều có chương trình phối hợp chặt chẽ với Công an, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, ngành Lao động Thương binh và Xã hội, đặc biệt là Ban đại diện cha mẹ học sinh về việc tuyên truyền, giáo dục và ngăn chặn tội phạm trong học đường. 100% trường học có Ban Chỉ đạo phòng chống ma túy, có kế hoạch  công tác cụ thể, đặc biệt coi trọng việc tổ chức ký cam kết giữa học sinh, gia đình và nhà trường về việc không mua bán, sử dụng, tàng trữ các loại chất ma túy. Nhờ đó, đến nay chưa phát hiện học sinh sử dụng, tàng trữ, buôn bán ma túy và các chất ma túy trong trường học. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục con em chưa thực sự đồng bộ, nhiều gia đình ít quan tâm, thậm chí phó mặc việc giáo dục con em cho nhà trường; cùng với đó một số học sinh thích đua đòi, sống lêu lổng dẫn đến vi phạm pháp luật. Mặt khác, giáo viên phụ trách công tác giáo dục phổ biến pháp luật từ Sở GD-ĐT đến các trường học đều là kiêm nhiệm nên hiệu quả công việc còn hạn chế.  Đây là khoảng trống cần được xử lý trong thời gian tới vì một môi trường giáo dục không có ma túy, không tội phạm và không buôn bán người. Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, để nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, các trường cần đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với lứa tuổi và nhận thức của học sinh từng bậc học; đồng thời đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phổ biến để vừa gây hứng thú vừa tác động tới nhận thức của học sinh một cách tích cực, sâu sắc hơn.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.