Chọn nghề phù hợp
Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2013 được khởi động bằng buổi tư vấn diễn ra tại Trường Đại học Tây Nguyên do Báo Tuổi trẻ, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT tổ chức nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới.
Học sinh đặt câu hỏi với Ban tư vấn để đưa ra quyết định chọn nghề phù hợp. |
Cũng như nhiều đợt tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp trước, học sinh rất băn khoăn, lúng túng khi phải tự mình quyết định lựa chọn nghề nghiệp. Qua các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cho thấy, đa số các em chọn ngành nghề dự thi theo mong muốn của cha, mẹ hoặc làm theo bạn bè mà chưa có sự cân nhắc, tính toán lựa chọn ngành nghề phù hợp với lực học và khả năng sẽ tìm kiếm được việc làm trong tương lai. Sự lựa chọn ngành nghề của các em cũng bị ảnh hưởng về giá trị nghề, có nghĩa là nhiều em thích chọn những ngành nghề dễ kiếm ra nhiều tiền hơn là phải chọn ngành nghề như thế nào cho phù hợp. Hệ lụy của việc chọn ngành nghề thiếu khoa học là sau nhiều năm theo học không ít sinh viên đã phải chọn lại ngành học mới. Theo tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban công tác sinh viên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) để có thể đưa ra quyết định quan trọng cả đời, học sinh cần xác định mình là ai, đang muốn gì và ở đâu? Các em cần hết sức thực tế khi xác định công việc yêu thích của mình. Hãy thử hỏi mình thích làm việc gì nhất rồi đối chiếu trong hệ thống ngành nghề để lựa chọn. Trong khoảng 300 trường ĐH đào tạo khoảng 3.000 ngành nghề, cùng một ngành rất nhiều trường đào tạo, điểm chuẩn khác nhau…Đây là cơ sở quan trọng để lượng xem sức học của mình ở đâu, phù hợp với ngành nào để nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Chẳng hạn, nếu chỉ đứng bán thuốc thì không nhất thiết phải thi ĐH. Các em nên hạ quyết tâm để trúng tuyển NV1 đừng nghĩ đến NV2, minh chứng là cánh cửa NV2 ngày càng hẹp trong những mùa thi trước. Tỷ lệ học sinh vừa thi tốt nghiệp THPT xong đậu vào ĐH cao hơn những em thi lại vào năm sau. Khi lựa chọn ngành nghề để học thì bản thân phải là người quyết định, bố mẹ, thầy cô chỉ thêm thông tin để các em giới hạn lại lựa chọn. Ngoài ra, khi chọn ngành nghề và trường theo học cần căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện đi lại, môi trường học…
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết năm 2011 điểm bình quân thi ĐH cả nước là 11,40 và 2012 là 11,26; điểm bình quân thi ĐH của Dak Lak là 10,9. Tuy nhiên tỷ lệ học sinh tỉnh Dak Lak đậu ĐH, CĐ khá cao do được hưởng điểm ưu tiên (toàn tỉnh Dak Lak thuộc khu vực 1 nên được ưu tiên 1,5 điểm). Đặc biệt trên địa bàn tỉnh có 3 trường THPT: chuyên Nguyễn Du (xếp top 30), Thực hành Cao Nguyên và Buôn Ma Thuột lọt vào top 200 trường có điểm thi cao nhất cả nước. Do đó, HS nên chọn nghề phù hợp để có khả năng trúng tuyển cao, trường hợp nhận thấy khả năng không vào được ĐH thì nên chọn học trung cấp nghề.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc