Multimedia Đọc Báo in

"Chạy đua" với học thêm

14:43, 05/04/2013

Người chị họ nhờ tôi đón cậu con trai đang học lớp 5 ở Trường Tiểu học Ngô Quyền. Theo đúng lời dặn của chị, 16 giờ 45 phút tôi có mặt ở trường, đón xong mua cho cậu bé mấy que cá viên chiên để kịp chở cháu đến thẳng nhà cô giáo dạy thêm trên đường Giải Phóng.

Được biết, thời  khóa biểu của cháu kín mít lịch học thêm, cụ thể sau giờ tan học ở trường, ngày nào cu cậu cũng phải đi học thêm đến 19 giờ mới về nhà; riêng ngày thứ Bảy và Chủ nhật thì phải học thêm 2 ca. Thấy cháu mới học lớp 5 đã phải vất vả "chạy đua" với việc học, tôi không khỏi ái ngại liệu việc tiếp thu kiến thức của cháu có hiệu quả hay không. Như hiểu được suy nghĩ của tôi, mẹ cháu giãi bày, hai giáo viên mà cu Bảo (tên cậu bé) học thì không thể nghỉ bên nào được vì một người là giáo viên chủ nhiệm, còn cô giáo kia là giáo viên dạy giỏi, chị muốn con mình không bỏ lỡ cơ hội được học thêm ở cô dạy hay, mà cũng không thể làm mất lòng cô chủ nhiệm nên đành phải đi học cả hai nơi. Chưa yên tâm lắm, chị còn thuê hẳn một cô giáo về dạy kèm tận nhà cho con trai với học phí 1.200.000 đồng/tháng, (vào buổi tối các ngày từ thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần) bởi dù biết con học cực khổ nhưng vì đây là năm cuối cấp, chuẩn bị thi vào cấp 2 nên không cho con đi học thêm sợ con không thi đậu vào trường điểm. Trong khi bản thân chị cũng bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn tranh thủ để đưa đón con đi học thêm. Điều đáng nói nữa là bên cạnh chuyện vất vả mất thời gian khi phải đưa đón con, thì các khoản chi phí học thêm của cu cậu cũng ngốn mất của gia đình chị hơn 2 triệu đồng mỗi tháng.

Thiết nghĩ, việc học hành của con cái luôn là mối quan tâm, ưu tiên hàng đầu của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên cần sắp xếp để trẻ có sự hài hòa, cân bằng giữa thời gian học tập, nghỉ ngơi sẽ giúp cho trẻ học tập tốt hơn, có điều kiện phát triển toàn diện hơn.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.