Làm bạn với con
Khi sinh ra một đứa con, người cha, người mẹ luôn dành hết tình yêu thương và sự kỳ vọng cho con mình, thế nhưng, thế giới đã không rực rỡ khi con mắc chứng tự kỷ. Và, sự kỳ vọng dù không trọn vẹn, song điều đó không có nghĩa là đặt dấu chấm hết...
Tình yêu thương, sự kiên nhẫn chưa đủ
Niềm vui của chị Vương Thị Thành, thôn 5, xã Hòa Thắng mỗi ngày được nhân lên khi cháu Đào Khánh Ly (sinh năm 2003) bi bô gọi ba, mẹ dù là những tiếng không tròn môi. Gần đây, Ly đã viết được các số từ 1 đến 100 và có thể viết những từ đơn giản mẹ đã dạy trước đó, như tên các con vật, đồ vật xung quanh. Chưa hết, trước lúc đi chơi, đi học, em còn biết tắt điện, tắt ti vi khi mẹ nhắc nhở. Những động tác này hoàn toàn đơn giản với một đứa trẻ lên 10 bình thường, nhưng với Ly là một điều kỳ diệu bởi em mắc chứng tự kỷ. Gạt nhanh những giọt nước mắt lăn dài trên má, chị Thành kể, lần sinh nở đầu tiên đã không có được niềm vui trọn vẹn, bởi Ly có những dấu hiệu khác lạ, dù vẫn ăn, vẫn lớn và cũng luôn vận động chân tay. Vợ chồng chị bồng con đi TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội chữa trị, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh tâm thần. Khi Ly một tuổi, vẫn không bập bẹ được tiếng ba, tiếng mẹ mà chỉ lặng lẽ, thờ ơ với thế giới xung quanh. Càng lớn lên em càng tinh nghịch hơn, nhưng lại không ý thức được những hành động của mình, nhiều lúc mẹ thái thịt nấu ăn, em hồn nhiên bốc bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, lúc ấy chị chỉ biết ôm con vào lòng và khóc. Đặc biệt, mỗi khi nghe tiếng máy xay sinh tố, Ly luôn sợ hãi bịt tai lại. Ước mơ nhỏ nhoi được cùng con vào quán giải khát ăn sáng như bao đứa trẻ khác không thể thực hiện vì Ly luôn nghịch phá, khóc thét, giận hờn bất thường. Những biểu hiện này khiến chị Thành liên tưởng đến hội chứng tự kỷ chứ không phải là tâm thần như bác sĩ chẩn đoán. Chị lao vào tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ với hy vọng giúp con sớm hòa nhập. Khó có thể kể hết những gian nan trên hành trình đi tìm lại sự “bình thường” cho con, vừa làm mẹ, làm thầy, nhưng đồng thời là người bạn thân để dạy, giúp con những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt, ứng xử.
Đều đặn mỗi ngày, chị Vương Thị Thành kiên nhẫn tập cho con rèn từng nét chữ. |
Chị Hằng (TP. Buôn Ma Thuột), người hơn 8 năm ròng đồng hành cùng con trai “chiến đấu” với chứng tự kỷ chia sẻ, ngoài tình yêu thương, kiên nhẫn, bố mẹ phải sáng tạo trong cách dạy, cách chơi cùng con để trẻ không cảm thấy nhàm chán. Nhiều lúc chơi mãi một trò nên con tỏ vẻ không thích, chị lại khéo léo chuyển sang trò chơi khác để cháu thấy thoải mái và chơi lâu hơn. Chị gần như dành toàn bộ thời gian cho con, làm bạn với con. Nhưng quan trọng là phải biết con đang nghĩ gì, sợ gì, muốn gì để có thể giúp con kịp thời. Kiên nhẫn, bền bỉ tập cho con từ những việc nhỏ nhất như cầm muỗng, cầm chén, tự mặc quần áo... và cháu đã tiến bộ rõ nét. Từ một đứa trẻ chỉ biết cáu gắt, hay nổi nóng, hoạt động một cách vô thức, Bảo đã tiến bộ rõ. Đầu năm học tới, Bảo được chuyển sang lớp Thỏ Trắng (lớp dành cho trẻ tự kỷ có tiến bộ) thay vì lớp Sóc Nâu như hiện nay.
Đừng đánh mất cơ hội vàng
Những năm gần đây, số trẻ tự kỷ đến can thiệp tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh ngày càng tăng, nếu như năm 2008 chỉ có 3-4 trẻ, thì hiện nay là 18 cháu. Đối tượng trẻ tự kỷ rất đa dạng, có cháu bị ảnh hưởng chứng tăng động chỉ tập trung chú ý được trong một khoảng thời gian ngắn, có cháu sợ tiếng ồn, có cháu lại thường xuyên la hét, quậy phá, có cháu chỉ thích nghịch nước, có cháu suốt ngày hờn dỗi, có cháu không kiểm soát được bản thân ngay cả khi đi vệ sinh... Hầu hết trẻ được đưa đến Trung tâm quá muộn do đó việc can thiệp gặp rất nhiều khó khăn. Cô Đinh Thị Hoa - giáo viên có nhiều năm chăm sóc trẻ tự kỷ tại Trung tâm cho biết, tự kỷ là thuật ngữ chỉ một nhóm các rối loạn phức hợp của sự phát triển não bộ, thể hiện rõ nét ở 3 lĩnh vực: Khó khăn về tương tác xã hội, khiếm khuyết về giao tiếp và hành vi, sở thích bị thu hẹp và lặp lại. Các dấu hiệu và triệu chứng tự kỷ thường nổi bật khi trẻ 2-3 tuổi. Do đó bố mẹ cần sớm phát hiện và can thiệp ngay, nếu muộn thì hiệu quả càng thấp. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị và can thiệp dành cho trẻ tự kỷ, nhưng điều quan trọng trong giáo dục trẻ tự kỷ là sự kiên trì kết hợp với lòng yêu thương. Ngoài sự can thiệp của bác sĩ, hỗ trợ của các thầy, cô giáo, điều cần nhất là gia đình phải có sự kiên nhẫn và biết cách làm bạn với trẻ. Vì đây là những người gần gũi và hiểu trẻ nhất, có thể dạy trẻ ở mọi lúc, mọi nơi nhằm tăng khả năng giao tiếp, tương tác và tạo sự thích nghi của trẻ với cuộc sống sinh hoạt bình thường. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ông bố, bà mẹ nào cũng đủ kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng. Trẻ bình thường chỉ cần cô giáo, bố mẹ làm mẫu một lần các cháu đã có thể làm theo, nhưng trẻ tự kỷ khả năng bắt chước rất kém, giáo viên và bố mẹ phải cầm tay hướng dẫn trẻ nhiều lần. Hành vi lặp đi lặp lại sẽ giúp trẻ hình thành thói quen. Thực tế không ít phụ huynh có tâm lý nôn nóng hay quá kỳ vọng vào con nên khi tập cho trẻ một vài lần không thấy tiến bộ hoặc khi trẻ làm được thì lại nghĩ con đã tiến bộ nên không cần can thiệp. Đôi khi dạy trẻ hoài một hành vi, một động tác mà vẫn không bắt chước được thì bố mẹ lại la mắng gây chấn thương tâm lý cho trẻ. Như vậy, trẻ càng sợ và khó có thể phục hồi hơn. Do vậy, thay vì làm mọi việc cho con, bố mẹ nên nhẫn nại tập cho trẻ tự làm mọi việc, thì trẻ mới có cơ hội thực hành nhiều và dần dần thay đổi tạo thói quen theo chiều hướng tiến bộ.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc