09:06, 19/05/2013
T
rong một buổi tổng kết công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Sở GD&ĐT cho biết, năm học 2011-2012, toàn tỉnh xảy ra 64 vụ học sinh đánh nhau. Trong số 371 em vi phạm, thì đã xử lý buộc thôi học có thời hạn 129 em. Có thể nói, đây là một con số không hề nhỏ, điều đặc biệt đối tượng chủ yếu là học sinh cuối cấp và có chiều hướng gia tăng trong học sinh nữ. Quả thực, tình trạng bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều gia đình, các nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này xuất phát từ nhiều phía, có thể do tác động từ các trò chơi, phim truyện, tranh ảnh kích động và bạo lực; bị bạn bè lôi kéo hay áp lực từ việc học tập...
Tuy nhiên, một nguyên nhân sâu xa tác động đến hành vi của các em đó là từ phía gia đình. Nạn bạo hành, sử dụng từ ngữ và lời lẽ không hay đã phần nào ảnh hưởng đến suy nghĩ và biểu hiện lệch lạc trong nhận thức của trẻ. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay phần đông các bậc phụ huynh mãi tập trung làm kinh tế, do đó thời gian quan tâm đến con thường rất ít, vì thiếu sự kiểm soát của bố mẹ đã khiến không ít đứa trẻ trở nên "nổi loạn".
Tôi cũng đã từng đọc những bức thư được các em học sinh viết ra với tất cả nỗi niềm, tâm sự trong một buổi sinh hoạt hè của đoàn viên, thanh niên phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột). Tại đây, các em đã bày tỏ nỗi lòng của mình qua từng trang giấy với suy nghĩ rằng những tâm sự của mình sẽ được buộc vào bong bóng và thả lên bầu trời mà không ai biết. Trong số những bức thư đó, nhiều em đã giãi bày những việc làm không đúng của mình mà nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình. Đó là do ba mẹ mải mê với công việc hay ba mẹ ly hôn nên thiếu sự quan tâm, chăm sóc con cái khiến các em trở nên bướng bỉnh, khó bảo, thậm chí dẫn đến những hành động sai trái như trộm cắp, nói dối, đánh nhau với bạn bè...
Từ những vấn đề trên khiến cho tất cả chúng ta phải suy nghĩ và cần phải hành động để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc