12:20, 30/06/2013
Sở GD-ĐT vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác phân luồng học sinh sau THCS. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, TP.Buôn Ma Thuột, các trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn tỉnh.
|
Quang cảnh hội nghị |
Phân luồng học sinh sau THCS và THPT là việc giúp học sinh có những hiểu biết về nghề nghiệp để định hướng phát triển và chủ động lựa chọn con đường tiếp tục học tập hoặc học nghề phù hợp với hoàn cảnh, năng lực của từng người và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Theo báo cáo tại hội nghị, trong những năm qua, Sở GD-ĐT đã triển khai một số biện pháp giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS như: tổ chức dạy 9 tiết hướng nghiệp/năm học cho học sinh lớp 9; dạy lồng ghép các nội dung hướng nghiệp qua các giờ sinh hoạt chủ nhiệm; triển khai các đề tài ngoại khó có nội dung phân luồng; phát triển mạng lưới trường TCCN trên địa bàn tỉnh… Theo thống kê, 3 năm qua (từ năm học 2010-2011 đến nay), tỷ lệ học sinh sau THCS vào học THPT và GDTX đã tăng khá nhanh, nếu năm học 2010-2011 có 25.712 học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT và 3.068 em vào học GDTX thì đến năm học 2012-2013, con số này lần lượt là 26.425 và 3.458 em (tỷ lệ học sinh vào học THPT tăng dần từ 78,1% đến 87,1%; tỷ lệ học sinh học GDTX tăng từ 9,32% lên gần 11,4%). Luồng học sinh vào học TCCN giảm từ 2,77% xuống dưới 2% (do số học sinh vào học THPT và GDTX tăng lên). Tỷ lệ học sinh sau THCS không tiếp tục học, vào học trường nghề hoặc tham gia lao động sản xuất cũng có sự giảm thiểu tương ứng từ 8,81% xuống dưới 1%.
Tuy nhiên hội nghị đánh giá, công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông, đặc biệt là các trường THCS vẫn chưa được chú trọng đúng mức (công tác hướng nghiệp ở nhiều trường chỉ dừng lại ở việc dạy 9 tiết hướng nghiệp/năm học cho học sinh lớp 9 mà không có thêm hoạt động gì); các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (các trường TCCN, các Trung tâm GDTX) chưa đủ mạnh để thu hút và thực hiện tốt nhiệm vụ phân luồng học sinh sau THCS.
Tại hội nghị, các đại biểu đã bàn nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS. Theo định hướng của ngành GD-ĐT, với tình hình phát triển giáo dục và điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của tỉnh, cần có lộ trình giảm đầu vào khối học sinh THPT còn khoảng 70-75% để tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ TCCN và các trường dạy nghề lên khoảng 10%; như vậy sẽ giảm được gánh nặng cho cấp THPT và giảm tốn kém cho một bộ phận học sinh có hoàn cảnh khó khăn và sức học yếu kém. Để đạt được mục tiêu phân luồng giáo dục sau THCS, trong thời gian tới, tỉnh cần đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất, nhân lực cho các trường TCCN trên địa bàn nhằm tăng cường chất lượng đào tạo; thực hiện tốt chính sách xã hội đối với các đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hướng nghiệp trong trường phổ thông theo hướng chuẩn hóa; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng từ các lớp cấp dưới chứ không đợi đến năm cuối cấp mới triển khai; đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong trường THCS sao cho phù hợp với nhu cầu lao động thực tế tại địa phương; triển khai nhân rộng mô hình đưa giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề gắn với hoạt động của các Trung tâm GDTX cấp huyện, cấp tỉnh…
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc