Multimedia Đọc Báo in

Cặp lồng cơm đến trường

02:30, 16/06/2013

Cứ khoảng 10 giờ mỗi ngày, phụ huynh có con học tại 4 điểm lẻ thuộc Trường Mẫu giáo Hoa Pơ Lang (xã Dur K’măl, huyện Krông Ana) lại xách cặp lồng cơm đến trường gửi cô giáo để các bé được học cả ngày. Khi nhận cặp lồng, giáo viên đều xem bố mẹ chuẩn bị cơm cho các cháu như thế nào. Bất ngờ, khẩu phần ăn của mỗi bé, không chỉ có cơm, canh, thịt luộc hoặc cá kho mà còn thêm quả chuối hoặc chiếc bánh ngọt dành cho bữa lỡ. Bình thường mỗi buổi sáng đưa con đi học, phụ huynh chuẩn bị cơm mang theo đến trường, còn không bận đi làm thì khoảng 10 giờ sẽ đem đến gửi, như vậy các cháu có cơm nóng để ăn. Thầy Nguyễn Văn Nhẫn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học 2012-2013, trường có 420 cháu học tại 7 điểm trường, do đó việc tổ chức bán trú là không thể vì cơ sở vật chất thiếu thốn và thiếu định biên bảo mẫu. Để thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non mới, trường đã tổ chức bán trú tại điểm trường chính, đồng thời vận động phụ huynh điểm trường buôn Triết tự nấu bữa ăn trưa cho các bé tại chỗ. Riêng các điểm trường còn lại do chưa có bếp ăn, nhà ăn và hệ thống nước sinh hoạt, đầu năm học 2012-2013 nhà trường đã vận động phụ huynh tự nấu cơm đem đến trường để các cháu được học 2 buổi/ngày. Ban đầu, “cặp lồng cơm đến trường” không nhận được sự đồng thuận của phụ huynh bởi có người chưa quan tâm nhiều đến việc học của con, hoặc e ngại mất công mang con tới trường, nhưng một thời gian ngắn sau thấy được những mặt lợi ích của học bán trú, các cháu đã có được giấc ngủ trưa, ăn cơm đúng giờ, bảo đảm chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh… nên nhiều phụ huynh yên tâm cho con ở lại trường vào buổi trưa. Nếu như những ngày đầu tổ chức bữa ăn trưa chỉ có khoảng 50% phụ huynh xách cặp lồng cơm gửi cho cô giáo, thì đến nay, trong tổng số 420 học sinh, đã có 389 cháu ở bán trú (trừ buôn Krông gần trường là không cho con ở lại). Phụ huynh tại các điểm trường lẻ còn phân công nhau, mỗi ngày chở một can nước sạch khoảng 20-30 lít để các cô vệ sinh cho các cháu.

Phụ huynh  tự  chuẩn bị bữa ăn trưa  để các bé được học cả ngày.
Phụ huynh tự chuẩn bị bữa ăn trưa để các bé được học cả ngày.

Phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số được các cô chăm sóc chu đáo nên ăn ngon miệng, ngủ đúng giờ giấc, vì vậy thể chất trẻ phát triển tốt; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi giảm hẳn, trẻ tới lớp chuyên cần hơn. Nếu như những năm học trước tỷ lệ trẻ ra lớp của trường là 95% thì năm học 2012-2013 là 98%, trong đó trẻ 5 tuổi  đến trường đạt 100%. Đặc biệt, năm học này chỉ có 1 cháu chưa hoàn thành chương trình mầm non, trong khi đó năm học trước là 13 cháu.

Mô hình “cặp lồng cơm đến trường” dù còn nhiều ý kiến trái chiều do lo ngại không bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu nhân viên bảo mẫu thì việc phụ huynh tự chuẩn bị bữa ăn trưa đem đến lớp để các bé được học cả ngày vẫn là phương án tối ưu nhất. Không những vậy, phụ huynh cũng có nhiều thời gian hơn cho công việc nương rẫy mà không phải đóng góp thêm tiền chăm sóc trẻ. Hiện nay, mô hình này cũng được phụ huynh tại các điểm lẻ của Trường Mầm non Sơn Ca (xã Dray Sáp) và Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Băng A Drênh) thực hiện. “Khác với các bậc học khác, việc huy động trẻ mầm non ra lớp hoàn toàn phụ thuộc vào phụ huynh, do đó khi lòng dân đồng thuận đã góp phần thực hiện thắng lợi chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi”, ông Thái Văn Tài, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana khẳng định.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.