Multimedia Đọc Báo in

Gặp hai học sinh “mê” lịch sử của Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng

09:26, 07/06/2013

Hai em học sinh Mông Thị Bích Vân (lớp 11A3) và Lý Đại Hùng (lớp 11A2) là hai gương mặt điển hình của Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng khi giành giải cao trong Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 năm 2013 vừa kết thúc tại TP. Hồ Chí Minh. Ở kỳ thi này, em Vân giành Huy chương Bạc, còn em Hùng giành Huy chương Đồng cùng ở môn thi Lịch sử. Trước đó, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vào tháng 3, Vân đã giành giải Nhất và Hùng giành giải Nhì.

Em Mông Thị Bích Vân, người dân tộc Nùng, học sinh lớp 11A3, Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng.
Em Mông Thị Bích Vân, người dân tộc Nùng, học sinh lớp 11A3, Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng.

Vân tâm sự: em đến với môn học Lịch sử là bằng sự đam mê, vì môn học này đã đem lại cho em nhiều kiến thức phong phú bổ ích; lịch sử làm cho người học tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, thấy yêu quê hương, đất nước hơn. Khi còn là học sinh THCS, mỗi một tiết học Lịch sử ở trên lớp, em có một cảm xúc rất đặc biệt, như sống lại quá khứ hào hùng của dân tộc, sục sôi lòng căm thù giặc ngoại xâm… Và dù khi đó còn là học sinh cấp 2 nhưng em đã biết tìm đến các sách báo, tài liệu, sách tham khảo… có trong thư viện nhà trường để đọc thêm, hiểu thêm những kiến thức đã được học ở trong sách giáo khoa vì những kiến thức “mở” ở dạng này thường phong phú, sâu rộng, bổ ích và đa chiều hơn cho người học. “Khi được học những bài học lịch sử hấp dẫn ở trên lớp, bản thân em đã thấy rất thích! Về nhà em tìm các trò chơi ô chữ trên báo để giải, rồi tập ghi nhớ các sự kiện lịch sử. Sau đó em xem chương trình “Theo dòng lịch sử” ở trên tivi, thấy chương trình này rất thiết thực nên càng thích học môn Sử hơn”, Vân thổ lộ.

Theo Vân, môn Sử không phải là môn học khó, học Sử không phải là học thuộc lòng y nguyên trong sách giáo khoa, mà điều quan trọng là người học phải hiểu, đồng thời phải biết cách vận dụng kiến thức. “Hãy coi Sử, học Sử để biết! Hãy học Sử giống như khi mình chơi một trò giải trí gì đó thì sẽ thấy rất hiệu quả! Để ghi nhớ các sự kiện lịch sử, em thường kẻ bảng sắp xếp các sự kiện theo từng giai đoạn, từng mốc thời gian, sau đó “ghép” nội dung đã được học tương ứng với từng sự kiện. Nếu làm được như vậy sẽ giúp người học rất dễ nắm kiến thức và cũng lâu quên”, Vân tiết lộ. Chia sẻ về dự định cho tương lai, Vân cho biết sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ dự thi vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

Em Lý Đại Hùng, người dân tộc Dao, lớp 11A2, Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng.
Em Lý Đại Hùng, người dân tộc Dao, lớp 11A2, Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng.

Đối với Lý Đại Hùng (dân tộc Dao) thì sự yêu thích môn Lịch sử có từ khi em còn rất nhỏ bởi đây là môn học hay, chứa nhiều kiến thức bổ ích. Theo Hùng, học Sử là phải gắn liền với thực tế và phải có niềm đam mê. Hùng tâm sự: “Ngoài kiến thức ở trong sách vở, em nghĩ học Sử kết hợp với việc đi tham quan thực tế các di tích lịch sử, những nơi xảy ra các sự kiện lịch sử đã được ghi ở trong sách vở để liên hệ thực tế thì sẽ giúp ghi nhớ lâu hơn. Học Sử chủ yếu là do mình, mình có đam mê không, mình có siêng không mới là yếu tố quan trọng”. Để học Sử được hiệu quả, Hùng thường chia kiến thức lịch sử thành các hệ thống. Chẳng hạn, hệ thống về các cuộc kháng chiến; hệ thống về các cuộc cải cách; hệ thống về kinh tế, xã hội, chính trị của từng thời kỳ lịch sử. Hùng cho biết sau khi kết thúc chương trình THPT, em dự định sẽ thi vào Trường Đại học An ninh Nhân dân tại TP. Hồ Chí Minh.

Hà Ni


Ý kiến bạn đọc