Một số lưu ý khi chọn nguyện vọng bổ sung
Hiện nay các trường đại học, cao đẳng đã công bố điểm thi tuyển sinh năm 2013. Những thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 cần phải tìm kiếm cơ hội học tập ở nguyện vọng 2, 3 (gọi chung là nguyện vọng bổ sung). Để có cơ hội trúng tuyển cao khi chọn nguyện vọng bổ sung, thí sinh cần lưu ý:
- Điểm thi đại học, cao đẳng năm nay tương đối cao, bởi vậy nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 có thể tìm hiểu và cân nhắc kỹ khi nộp nguyện vọng bổ sung ở các trường còn chỉ tiêu. Kinh nghiệm cho thấy, khi nộp nguyện vọng bổ sung, thí sinh nên nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở các trường tốp dưới hoặc các trường địa phương. Đây là những trường có chỉ tiêu tương đối nhiều và “dễ thở”, cơ hội trúng tuyển sẽ rất cao.
- Có nhiều lối rẽ vào đời, không nhất thiết phải khởi đầu từ đại học. Nếu thí sinh có số điểm thi bằng điểm sàn hoặc cao hơn điểm sàn một chút nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1, để chắc ăn, thí sinh nên nộp nguyện vọng bổ sung vào các trường cao đẳng. Bởi theo công bố của Bộ Giáo dục – Đào tạo, điểm sàn cao đẳng chỉ từ 10-11 điểm tùy theo từng khối thi. Học cao đẳng nếu sau này muốn có tấm bằng đại học thì có thể thi và học liên thông.
- Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng của mình về việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh cần phải suy nghĩ và tham khảo ý kiến tư vấn của các thầy cô giáo, bạn bè, gia đình. Hiện nay một số trường đã đưa ra chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung; vấn đề quan trọng là thí sinh phải sáng suốt, biết lựa chọn lối đi theo đúng năng lực, sở trường, sở thích của mình, đừng cố vào đại học mà đánh mất cơ hội học tập của mình.
- Theo quy định, những thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục – Đào tạo không trúng tuyển vào trường dự thi nhưng có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, không có môn nào bị điểm 0, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường còn chỉ tiêu. Khi đăng ký bổ sung vào trường nào thí sinh cần phải vào trang web của trường đó để tìm hiểu điều kiện và chỉ tiêu xét tuyển của ngành mình muốn đăng ký là bao nhiêu.
- Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm: giấy chứng nhận kết quả thi của từng trường, một phong bì đã dán sẵn tem và có ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường. Theo quy định, thời gian xét tuyển nguyện vọng nhiều đợt và kéo dài đến ngày 30-10, các trường còn chỉ tiêu sẽ công khai trên trang thông tin điện tử của trường mình về chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển bổ sung.
- Một khi rớt nguyện vọng 1, nhiều thí sinh rất khó lựa chọn nguyện vọng bổ sung. Bởi vậy trước khi nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ trường nào, ngành nào mà mình thực sự có nhu cầu học để nộp hồ sơ sao cho phù hợp, cơ hội trúng tuyển sẽ cao.
Ngô Mã Thiên
Ý kiến bạn đọc