Multimedia Đọc Báo in

Những băn khoăn về định mức biên chế viên chức ở các trường phổ thông dân tộc nội trú

05:39, 06/08/2013

Ngày 31-10-2008, Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành Thông tư số 59/2008/TT- BGDĐT hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các trường chuyên biệt công lập. Thông tư áp dụng cho các trường, lớp chuyên biệt bao gồm: trường phổ thông dân tộc nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường chuyên; trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật. Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, định mức biên chế được quy định như sau: cán bộ quản lý: 3; giáo viên: 2,2/lớp; tổng phụ trách Đội: 1; thư viện: 1; thiết bị: 1; giáo vụ: 2; thủ quỹ: 1; kế toán: 1; cán bộ y tế: 1; văn thư: 1; kỹ thuật viên công nghệ thông tin hoặc kỹ sư tin học: 1.

Qua thực tế ở các trường phổ thông dân tộc nội trú hiện nay, thì định biên trên là hơi ít, gây khó khăn cho công tác của các nhà trường. Tại tỉnh ta, mỗi huyện, thị xã, thành phố đều có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú. Mỗi trường đều có 4 khối lớp; mỗi khối có 1 lớp 6, 1 lớp 7, 1 lớp 8 và 1 lớp 9; mỗi lớp có 40 học sinh. Như vậy, nếu tính định biên 2,2 giáo viên/lớp thì trường có tối đa không quá 9 giáo viên, cộng với 1 giáo viên- Tổng phụ trách Đội là 10. Trong khi đó, số môn học ở trong trường phổ thông dân tộc nội trú hiện nay là 15 môn bao gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Công nghệ, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Êđê. Mặt khác, giáo viên ở các trường nội trú còn phải kiêm nhiệm công tác về chăm nuôi học sinh ăn ở, sinh hoạt tại trường nên rất vất vả. Mỗi môn chỉ có 1 giáo viên nên rất khó khăn trong việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ thông qua học hỏi lẫn nhau, thi giáo viên dạy giỏi, chuyên đề, sinh hoạt tổ chuyên môn, soạn giáo án. Do đó cần có một định biên giáo viên theo cơ chế đặc thù của các trường phổ thông dân tộc nội trú theo số lượng môn học, số lượng tiết/tuần (môn Văn, môn Toán).

Ngoài ra biên chế nhân viên cũng chưa hợp lý, đó là không có định biên về nhân viên cấp dưỡng, nhân viên điện nước, nhân viên quản sinh. Trong khi đó, thực tế hiện nay các trường phổ thông dân tộc nội trú rất cần thiết 3 loại hình nhân viên này bởi hằng ngày, nhân viên cấp dưỡng phải cung cấp gần 200 suất ăn cho học sinh; hệ thống điện nước kí túc xá học sinh thường xuyên phải sử dụng, phải kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế, sửa chữa hư hỏng; công tác quản lí nội trú rất cần một quản sinh có trình độ từ trung cấp thanh vận, hoặc được đào tạo từ Học viên Thanh thiếu nhi để có thể cùng các em sinh hoạt, tư vấn tâm sinh lí cho các em tại trường.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2012/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 14/2012/TT-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định 41/2012/NĐ- CP. Hiện nay, Sở Giáo dục – Đào tạo của các địa phương đang triển khai thực hiện hai văn bản này để phân bổ chỉ tiêu định biên cho các cơ sở giáo dục, trong đó có các trường phổ thông dân tộc nội trú. Là những người đang trực tiếp công tác tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, rất mong Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Nội vụ cần có sự xem xét để đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 59/2008/TT- BGDĐT cho sát với thực tế hiện nay của các trường, nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục và chăm nuôi các em học sinh người dân tộc thiểu số.

Nguyễn Phùng Hiền

(Trường PTDTNT huyện Buôn Đôn)


Ý kiến bạn đọc