Dạy trẻ biết cách tự lập
Thực tế hiện nay, ở một số gia đình, cha mẹ không chỉ buông lỏng sự quản lý hay ít quan tâm đến con cái mà còn nuông chiều hoặc làm thay cho con những việc dù là nhỏ nhất khi trẻ đang còn nhỏ. Nhiều cha mẹ có suy nghĩ rằng: trẻ còn ít tuổi, ngây dại và chưa có đủ sức cũng như hiểu biết để làm những việc trong gia đình mà việc của chúng là chỉ ăn và học là chủ yếu…. Đây là những suy nghĩ và quan niệm sai lầm khi dạy trẻ. Điều này dễ tạo cho trẻ hình thành bản tính lười biếng, ham chơi, thích dựa dẫm, thậm chí là đua đòi. Và hệ quả là trẻ không hình thành được thói quen tự lập ngay khi còn nhỏ; khi lớn lên, các em thường sống ích kỷ, không biết quý trọng giá trị của lao động, quý trọng giá trị đồng tiền và chỉ muốn người khác phục vụ mình, làm thay mình.
Muốn hình thành thói quen sống tự lập cho trẻ, trước hết mỗi bậc cha mẹ phải làm việc, vui chơi cùng với con cái. Đây là một cách giáo dục con cái rất tốt, tạo cho trẻ sự tự tin, thói quen tự giác làm việc và tính tự lập. Qua đó sẽ làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thêm gắn bó thân thiết, đồng thời khi cùng làm việc với cha mẹ, trẻ dễ dàng bắt chước làm theo những gì cha mẹ chỉ bảo và có thể giúp trẻ tâm sự trao đổi những vấn đề đang quan tâm hoặc vướng mắc. Cha mẹ có thể chỉ bảo và hướng dẫn con cái trong gia đình tham gia vào các công việc ban đầu như: cùng con cất dọn đồ đạc trong nhà sao cho ngăn nắp; sắp xếp sách vở gọn gàng, tập cho trẻ cách đánh răng hay rửa mặt đúng quy cách, đúng thời gian; biết giữ quần áo sạch sẽ…
Để có thể khuyến khích và tạo điều kiện trẻ làm tốt thì cha mẹ nên động viên hoặc dành cho trẻ những lời khen khéo khi trẻ tự làm được một việc tốt như: “con giỏi quá!”, “con làm được rồi đấy!”, “hãy làm từ từ nhé con”,… cha mẹ không nên phê phán và trách mắng trẻ bằng những lời nói như: “Con không biết làm đâu”, “hãy để đó mẹ làm”, “con đừng có đụng vào”, “thấy chưa, con làm hỏng hết rồi”, “con làm vỡ mất rồi”... Nếu trẻ làm chưa tốt, chưa đúng, cha mẹ nên giải thích rõ ràng, chỉ cho trẻ những chỗ sai để trẻ rút kinh nghiệm và làm tốt hơn trong những lần tiếp theo. Sự khuyến khích, cổ vũ cùng những lời khen của cha mẹ và những người thân trong gia đình sẽ giúp trẻ tự tin và tự giác khi tự mình làm một việc gì đó. Sau một thời gian cùng tham gia, cha mẹ hãy tập cho trẻ tính tự lập và thói quen làm công việc đó mà không cần sự có mặt hay chỉ bảo của cha mẹ, từ đó, trẻ sẽ dần có kỹ năng và tự mình làm được các việc. Ngoài ra, việc dạy trẻ biết cách tự lập cũng cần phải có biện pháp giáo dục hợp lý và sự phối hợp, thống nhất giữa các thành viên trong gia đình, nhất là người cha, người mẹ; cần tránh tình trạng cha mẹ quá dễ dãi hay nuông chiều con thái quá hoặc ngược lại cha mẹ tỏ ra gay gắt, nghiêm khắc quá mức với những việc làm của trẻ. Nếu muốn dạy con tốt thì cũng không thể tồn tại tình trạng trong gia đình người cha quá nghiêm khắc còn người mẹ thì chiều con quá mức và ngược lại.
Việc hình thành tính tự lập cho trẻ sẽ góp phần giúp trẻ luôn năng động, biết hòa mình vào cuộc sống; và hơn hết, trẻ sẽ luôn biết quý trọng những giá trị trong lao động.
Văn Hà
Ý kiến bạn đọc