Multimedia Đọc Báo in

Sân cũ trường xưa

13:23, 06/09/2013
Như mới ngày nào còn níu chặt tay cha ngơ ngác nhìn quanh giữa sân trường trong ngày đầu đi học. Hôm nay, sau nhiều năm dài xa cách, tay dắt cháu đi học  ngày đầu mình cũng nhìn quanh như ngày đầu đi học...

Thuở ấy nhìn quanh vì thấy gì cũng lạ. Những cây bàng ở trường tỏa tán rộng hơn cây bàng xóm Giếng. Sân trường phẳng mịn có thể tạo lỗ chơi bi, đánh khăng thoải mái chứ không như sân đình lát gạch bát tràng kín đất chỉ còn mươi  lỗ cắm cờ trong những ngày lễ tết. Ngôi trường đẹp, to hơn nhà cụ Chánh trong làng mà lâu nay ai cũng xuýt xoa ca tụng. Trò chơi đa dạng hơn. Bạn chơi nhiều hơn trong xóm nhỏ.

Sau này, những so sánh trên đúng như mình nhận xét lúc đầu. Chỉ có chuyện "bạn chơi" thì không hoàn toàn đúng vậy.

Dù thời gian chỉ hạn hẹp khi đến trường sớm đợi giờ vào học và giờ ra chơi giữa các tiết học, dù không gian chỉ giới  hạn bởi những cây bàng, nhưng sân trường lại chính là nơi sàng lọc phân loại thành từng nhóm bạn chơi chứ không phải ai cũng chơi chung với nhau được. Nhóm cùng đường đi học. Nhóm cùng thích một trò chơi. Nhóm còn ngơ ngác con nai vàng. Nhóm tinh ranh đàn anh, đàn chị... Một tay chơi bi giỏi không thể cùng lúc gia nhập nhóm đánh khăng. Dù bắn bi tài như Dương Tiễn bắn cung cũng không được đàn anh lớp trên cho nhập nhóm, loạng quạng còn bị ăn đòn. Chỉ có trò chơi bóng đá là bình đẳng không phân chia trên dưới, mới cũ, hay dở mà chia thành hai phe lớn. Trong trò chơi này cả những tay ốm nhách "cò hương", xương như ống sậy cũng được phân công tìm vặt trộm bưởi non làm bóng, tham gia hò reo cổ vũ và ...lượm bóng ngoài sân. Thảng hoặc cũng có khi được các "anh chị" cho chơi chung nhưng phải chịu nhận phận thiệt thòi. Muốn chơi nhảy dây ư? Kiếm dây tới quay cho các chị thay nhau nhảy đã đời. Đến lượt em nhảy thi giờ ra chơi vừa hết. Muốn chơi đánh khăng với đàn anh thì phải tìm cho được cành ổi già làm hai "con khăng" đem tới các anh mới chiếu cố cho chơi. Nhưng đến lượt mình được cầm khăng thì trống trường đã điểm "Hết giờ ra chơi":

"Thùng thùng trống đánh ba dùi/ Bước chân vào lớp bùi ngùi, ngẩn ngơ". Không biết đàn anh nào đã qua cái "cầu" ngẩn ngơ, tức khí thành thơ con cóc, nhái bài "Lính thú đời xưa" này nghe cũng tủi thân cho phận đàn em "ma mới".

Nhưng rồi cái ngẩn ngơ buồn tủi này cũng biến tan bởi  "Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc..." ("Tôi đi học" của Thanh Tịnh) lại có thêm những cô cậu bé níu tay cha mẹ đứng giữa sân trường ngơ ngác nhìn quanh thay cho lớp trước.

Hôm nay tuy không ngơ ngác nhưng mình cũng nhìn quanh. Nhìn để ngóng tìm một gương mặt thân quen bạn bè thuở ấy trong sân trường. Hy vọng cũng có người như mình, dắt cháu tới trường cho ngày đầu đi học để thỏa nỗi nhớ mong bạn cũ trường xưa.

Đào Quang Bắc        


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.