Multimedia Đọc Báo in

Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2013

1001 cách... bồi đắp ước mơ

10:27, 05/10/2013

Những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật bị bỏ rơi nơi cửa chùa hay những học sinh vì một lý do riêng phải nghỉ học giữa chừng đã được tiếp sức tới trường. Tình yêu thương, trách nhiệm của cộng đồng đã chắp cánh ước mơ cho các em…

Lớp học đặc biệt

Năm học mới 2013-2014, cũng như nhiều học sinh (HS) trên cả nước, hơn 20 trẻ cơ nhỡ ở Cơ sở tình thương chùa Bửu Thắng (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) háo hức bước vào kỳ khai giảng lần đầu tiên ngay trong chùa. Lớp học đặc biệt này có đến 3 độ tuổi gồm những cháu sinh năm 2008, 2009, 2010 do 2 cô giáo đứng lớp. Nhìn các bé xúng xính trong màu áo nâu, áo lam được cô giáo hướng dẫn xếp hàng, tập múa hát, Sư cô Thích Nữ Huệ Hướng, trụ trì chùa Bửu Thắng xúc động nói: “Những năm trước, các cháu phải đến điểm trường mẫu giáo ngoài chùa để học. Từ tháng 10-2012, điểm trường được thành lập trong chùa nên việc chăm sóc, giáo dục các cháu thuận lợi hơn”. Được biết, trước năm 2001, chùa Bửu Thắng chỉ là một chiếc chòi tranh dột nát, phải nấu ăn ngoài trời, chưa có nước sinh hoạt tại chỗ. Mặc dù vậy, Sư cô Huệ Hướng đã mở rộng vòng tay đón hơn chục đứa trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật về nuôi dạy. Để bảo đảm bữa ăn cho những đứa trẻ, nhà chùa đã trồng rau, hoa màu và nhờ vào sự hỗ trợ vật chất của thập phương bá tánh. 

Cô và trò lớp học đặc biệt tại chùa Bửu Thắng (thị xã Buôn Hồ) trong ngày tựu trường.
Cô và trò lớp học đặc biệt tại chùa Bửu Thắng (thị xã Buôn Hồ) trong ngày tựu trường.

Từ chỗ chỉ cưu mang hơn chục trẻ mồ côi phải chịu số phận hẩm hiu của cuộc đời, giờ đây “dân số” của chùa đã có hơn 200 thành viên, gồm cả trẻ em, người già, người tàn tật, trong số ấy có hơn 100 cháu được đi học. Thành viên gia đình “cơ sở tình thương chùa Bửu Thắng” không chỉ trong địa bàn tỉnh Dak Lak mà có xuất xứ từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Vốn là trẻ mồ côi, không được học hành, nên khi đón nhận những mảnh đời bất hạnh về nuôi dưỡng, Sư cô Thích Nữ Huệ Hướng tâm niệm phải cho bọn trẻ học chữ. Bởi chỉ có học chữ mới giúp các cháu mở mang tri thức, hiểu đời, trở thành công dân tốt. Sư cô Huệ Hướng đã liên hệ với các trường học trên địa bàn thị xã Buôn Hồ cho các cháu trong độ tuổi đến lớp. Không chỉ vỗ về các cháu bằng tình cảm, Sư cô còn dành những phần thưởng vật chất xứng đáng nhằm động viên các cháu nỗ lực vươn lên trong học tập. Những cháu học giỏi, thi đỗ vào trường trung cấp nghề, cao đẳng, đại học, Sư cô tặng dàn máy vi tính, tặng xe máy để có phương tiện học tập tốt hơn. Nhờ sự quan tâm, động viên của Sư cô đã có hàng chục em sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông học nghề lái xe, sửa chữa điện thoại, sửa chữa ô tô, làm nghề đá quý ở TP. Hồ Chí Minh… Em H.T.V học sinh lớp 9 tâm sự: “5 tuổi em đã được Sư cô đem về chùa nuôi dưỡng. Như nhiều trẻ ở đây, em không biết bố, mẹ là ai, không biết quê quán. Tất cả chúng em đều có chung ngày sinh nhật là 1-1 và đều mang họ Huỳnh. Với em nơi đây là nhà của mình, các thành viên trong chùa là người thân. Em cố gắng học giỏi để sau này trở thành giáo viên dạy học cho các em trong chùa”.

Học để lập nghiệp

Lớp bổ túc văn hóa của Trường THCS Lạc Long Quân (TP. Buôn Ma Thuột) chỉ có gần 20 em nhưng thuộc 4 khối lớp. Khối lớp 6,7 được bố trí học một phòng và khối lớp 8,9 là một phòng. Để thuận tiện cho việc truyền đạt kiến thức, giáo viên tiếp tục sắp xếp mỗi lớp thành một nhóm. Độ tuổi của các em khác nhau, nhưng đều có chung động cơ học để có nghề nghiệp và lao động ngày càng có hiệu quả. Thầy Nguyễn Đức Huy, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đây là năm học đầu tiên trường được giao nhiệm vụ mở lớp bổ túc THCS, vừa là trách nhiệm nhưng cũng là tình cảm đối với HS, do đó Ban Giám hiệu chọn những giáo viên có năng lực, tâm huyết với nghề để giảng dạy, giúp các em làm quen với môi trường, điều kiện học tập.

Không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa, vì hoàn cảnh, Phan Thanh Minh Hà (sinh năm 1991) ở xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) nghỉ học khi đang học lớp 9. Sau nhiều năm bươn chải phụ giúp gia đình, Hà quyết định đi học lại để có bằng tốt nghiệp THCS và sau đó là thi bằng lái xe hạng C. Hà chia sẻ: “Việc trở lại học tập là dự định từ lâu của em. Ngày đến trường đăng ký học em run lắm. Nghỉ học đã lâu nên em sợ mình không bắt kịp, nhưng sau gần nửa tháng nhập học, được thầy, cô giáo động viên tinh thần, bồi dưỡng kiến thức, em thấy yên tâm và ham học hơn”. Sinh ra trong gia đình có hai anh em, được bố mẹ cưng chiều, nhưng vì thích giao du với bạn bè nên Nguyễn Việt Cường (sinh năm 1990), ở thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jut (tỉnh Dak Nông) đã bỏ học khi đang học lớp 8. Bỏ ngoài tai những lời động viên của bố mẹ, Cường quyết định xuống TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang đi làm để tự khẳng định mình. Cuối năm 2009, Cường quyết định quay về nhà học nghề sửa chữa điện tử. Tuy nhiên, nghề này cũng không “giữ chân” Cường được lâu khi mỗi ngày lượng khách hàng đến tiệm sửa chữa ti vi,  đầu máy ít đi. Cường nghĩ, với tốc độ phát triển của công nghệ điện tử như hiện nay chẳng mấy chốc thợ điện tử phải bỏ nghề. Những trải nghiệm từ “trường đời” đã dạy cho Cường rằng: “Tiền thì tiêu hết, nhưng tri thức thì không bao giờ hết”. Vì vậy, em quyết định học bổ túc văn hóa tại Trường THCS Lạc Long Quân để hoàn thành chương trình THCS, tiếp tục học lên THPT và hy vọng thi đỗ vào ngành Công nghệ Thông tin của một trường đại học nào đó. 23 tuổi, nhưng trông Cường già dặn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Những năm tháng làm nhân viên tại các quán cà phê, các nhà hàng đã giúp em nhận ra giá trị đích thực của việc học. Với Cường, học không bao giờ là muộn, chỉ sợ không ham học và quyết tâm học.

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2013 diễn ra từ ngày 30-9 đến ngày 6-10, với chủ đề học để có nghề nghiệp và lao động ngày càng có hiệu quả hơn. Mục tiêu của tuần lễ là nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; nâng cao năng lực cung ứng giáo dục và các thiết chế giáo dục trong việc đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần tăng cường các nguồn lực hỗ trợ tổ chức hoạt động xây dựng xã hội học tập.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc