Multimedia Đọc Báo in

Dạy thêm, học thêm - cái nhìn từ đạo đức nhà giáo

10:26, 05/10/2013
Dạy thêm với nghĩa thông thường là người dạy truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho người học ngoài giờ học chính khóa được quy định trong chương trình ở các cơ sở giáo dục.

Dạy thêm là một hoạt động giáo dục nhằm hoàn thiện nội dung chương trình được quy định trong chính khóa.

Dạy thêm không chỉ là thầy lên lớp với hàng chục học sinh mà còn là hướng dẫn cho các em tìm sách đọc thêm trong các thư viện, khơi gợi, chỉ dẫn những vấn đề cần giải quyết cho một nhóm hay từng học sinh.

Người dạy thêm không chỉ là giáo viên trên lớp mà còn là ông, bà, cha, mẹ anh, chị… trong mỗi gia đình.

Học thêm, không chỉ là người học lên lớp nghe thầy giảng bài mà còn thông qua học nhóm, trao đổi, thảo luận, qua việc hướng dẫn của cha mẹ, anh chị, qua các phương tiện thông tin đại chúng và quan trọng nhất là tự học thêm.

Đối với mỗi học sinh phổ thông trung học, việc học thêm hay không, học thêm cái gì, học thêm như thế nào… là những câu hỏi cần sự hướng dẫn từ cái tâm, cái trí của người thầy trực tiếp giảng dạy trên lớp và trách nhiệm, lòng thương yêu, sự thấu hiểu của người cha, người mẹ đối với các em.

Với tấm lòng thương yêu học sinh và năng lực của một nhà sư phạm, người thầy giúp mỗi học sinh tự khám phá về năng lực tư duy, về kỹ năng nghề nghiệp thích hợp cho tương lai để lựa chọn nội dung học thêm thích hợp (bản chất của dạy học là người thầy tác động tích cực đến từng học sinh).

Mỗi bậc phụ huynh thực sự là “người tiêu dùng thông thái” trong việc lựa chọn người dạy thêm (không hẳn là thầy giáo trực tiếp dạy con mình trên lớp), nội dung học thêm, phương pháp học thêm, thời gian học thêm… để đi đến quyết định: có cho con em mình học thêm hay không.

Dạy thêm, học thêm với ý nghĩa chân chính nêu trên gắn với việc học suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Dạy thêm, học thêm chỉ bị lên án với mục đích vụ lợi của một bộ phận giáo viên bằng cách ràng buộc học sinh của mình phải học thêm tại tư gia.

Bằng việc dạy thêm tại tư gia, nhiều giáo viên ở các vùng đô thị thu lợi hàng chục triệu đồng mỗi tháng. “Nồi cơm” quá lớn khiến nhiều người “lách luật” để dạy thêm. Học thêm phải là sự tự nguyện của học sinh và phụ huynh ư? Quá dễ! Họ chỉ cần “rỉ tai” một vài học sinh là hôm sau đã có hàng chục xấp đơn với nhiều chữ ký! Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đưa ra mức phạt 3-5 triệu đồng đối với giáo viên có hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép học sinh học thêm. Ai kiểm tra nổi “hành vi cắt giảm” này khi mà trên lớp thầy “chủ đạo”?!

Ai đã từng đứng trên bục giảng đều nhận rõ một điều: tấm lòng của người thầy đối với học sinh quyết định chất lượng một giờ lên lớp. Vai trò đạo đức nhà giáo có tính quyết định trong mọi hoạt động sư phạm (kể cả dạy thêm, học thêm).

Mọi quy định của ngành Giáo dục về dạy thêm, học thêm phải được tiếp nhận từ đạo đức nhà giáo mà cốt lõi là: “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

Trương Tử Kỳ


Ý kiến bạn đọc


Trang trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về nước
Ngày 22/5, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trang trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia