Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về thiên chức người thầy

09:48, 24/11/2013
Từ xưa đến nay, nghề dạy học luôn được cả xã hội tôn vinh - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý - bởi lẽ sản phẩm của nghề này chính là con người. Người thầy được ví như những “người lái đò”, “người đưa đò” cho bao thế hệ học sinh qua sông, là những người gieo hạt mầm cho tương lai đất nước.

Để không ngừng đáp ứng yêu cầu của xã hội, người giáo viên trước hết phải là người có đạo đức và nhân cách cao đẹp. Ngoài kiến thức, năng khiếu sư phạm, người thầy còn phải có lối sống cao đẹp, có lòng vị tha, biết thương yêu và quý trọng học sinh của mình. Nhiều nghiên cứu cho thấy, quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh phần nhiều chịu ảnh hưởng từ người giáo viên.Vậy nên, một người thầy tốt chính là tấm gương sáng soi đường và thức tỉnh học trò, giúp các em trở thành những con người hữu ích cho gia đình và xã hội. Người thầy phải biết thắp lên tình yêu cuộc sống của học trò từ những gì gần gũi, giản dị nhất; phải dạy cho các em biết cảm thông, biết hy sinh và vị tha; biết trau dồi vốn sống; biết nâng niu trân trọng những gì cuộc sống ban tặng; biết nhận thức và có kỹ năng sống phù hợp với xu thế của thời đại; biết rung động trước cuộc sống,…

Lòng yêu nghề cũng là một trong những yếu tố hình thành phẩm chất cao đẹp của người thầy. Trong xã hội ngày nay, giá trị của đồng tiền, của vật chất tầm thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến cái tâm, cái nghề của người giáo viên, nhưng nếu biết làm chủ và vượt qua những cái tầm thường ấy thì giá trị và phẩm chất của người thầy càng được xã hội tôn vinh và nể trọng. Người thầy không nên có quan niệm sai lệch như: hễ bước ra khỏi lớp học nghĩa là đã hoàn thành sứ mệnh và nhiệm vụ của mình hoặc chỉ dạy cho hết nghĩa vụ, hết giờ rồi về còn học trò có hiểu bài hay không thì không quan tâm,… mà ngược lại người thầy phải biết quan tâm, biết trăn trở, suy ngẫm cùng với những trăn trở, những thắc mắc, những cái lắc đầu không hiểu của học trò, biết thức thâu đêm để có được giáo án hay cho tiết học ngày mai thật thành công và ý nghĩa và đầy hứng thú…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tiễn giảng dạy cũng vậy, ngoài năng lực chuyên môn, người giáo viên phải không ngừng học hỏi, cập nhật thông tin để không bị coi là lạc hậu, thường xuyên trau dồi vốn sống, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với đồng nghiệp. Trước đây, phương pháp chủ yếu là thầy đọc, trò chép; thầy nhồi nhét, áp đặt kiến thức thì ngày nay, người thầy dạy giỏi phải tích cực đổi mới phương pháp, lấy học sinh làm đối tượng trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; phải dạy học sinh phương pháp tư duy, biết làm việc một cách khoa học, biết cách đối nhân xử thế,…

Vai trò của người thầy không chỉ là tổ chức, cố vấn, trọng tài cho việc học mà thậm chí người thầy còn là người cha, người mẹ, người bạn của học trò. Một giờ dạy được coi là thành công và hiệu quả phải là giờ dạy sinh động, đầy hứng thú, có sự trao đổi dân chủ, thân thiện giữa thầy và trò trong hành trình kiếm tri thức, chân lý cuộc sống. Ngoài ra, người giáo viên cũng phải biết tìm thấy các mặt mạnh, mặt yếu, sở trường hay sở đoản của từng em để định hướng phát triển và có phương pháp dạy phù hợp. Người giáo viên giỏi là người phải biết truyền lửa đam mê, hứng thú cho người học. Qua các tiết học, học sinh sẽ ý thức rằng: cuộc sống là muôn vàn những khó khăn, trở ngại, vất vả nhưng mỗi chúng ta cần phải có tri thức, có nghị lực và có niềm tin để có thể vượt qua tất cả.

Thiết nghĩ rằng, người giáo viên khi đứng trên bục giảng cần phải hiểu và ý thức rõ thiên chức cao quý của mình, sứ mệnh của sự nghiệp giáo dục không chỉ đơn thuần là dạy chữ mà còn là dạy cách làm người cho các em học sinh. Tất cả điều đó sẽ góp phần giúp cho đời sống tâm hồn, tình cảm của các em ngày càng phong phú, nhân cách ngày càng được trau dồi, hoàn thiện để các em vững bước vào đời.

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.