Multimedia Đọc Báo in

Nữ giáo viên tận tụy với công tác "trồng người" nơi vùng sâu

09:43, 20/11/2013
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Khánh Hòa, sau một thời gian dạy học ở Ninh Hòa, năm 1995 cô giáo Phan Thị Hương theo chồng lên Lâm Đồng, rồi về sinh sống tại xã Krông Nô (huyện Lak) và gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng sâu này cho đến nay. Cô Hương hiện là giáo viên dạy Toán ở Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Krông Nô.

 Những ngày đầu về dạy học tại Trường PTCS Quang Trung, xã Krông Nô (nay đã tách ra thành Trường THCS Trần Hưng Đạo và Trường Tiểu học Quang Trung), cô giáo Hương gặp rất nhiều khó khăn bởi điều kiện dạy và học thiếu thốn ở một trường vùng sâu. Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, học trò nơi đây đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu thốn đủ bề. Cô bắt đầu tập làm quen dần với cuộc sống nơi đây, kiên trì bám trụ lại mảnh đất nghèo cùng với bao nỗi vất vả của cuộc sống mưu sinh. Cảm thông với những thiệt thòi, thiếu thốn của học sinh vùng sâu, tình yêu nghề, mến trẻ cũng lớn dần lên và cô ngày càng gắn bó với các em, mang hết tâm huyết, kiến thức để truyền đạt cho học sinh.

Cô Vũ Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo nhận xét: Không chỉ dạy giỏi, cô Phan Thị Hương rất cảm thông với hoàn cảnh của học sinh. Cô Hương thường xuyên đi đến từng thôn, buôn, vận động các em đến lớp và tình nguyện dạy phụ đạo miễn phí cho các em học sinh yếu kém để các em theo kịp chương trình. Bên cạnh đó, cô còn trực tiếp đi vận động, quyên góp gạo, quần áo, sách vở, xe đạp cũ giúp đỡ học sinh nghèo để tạo điều kiện cho các em đến trường. Trong công tác giảng dạy, cô cũng năng động, sáng tạo nhiều đồ dùng dạy học, góp phần khắc phục khó khăn chung của nhà trường trong việc thiếu thốn đồ dùng, trang thiết bị dạy và học. Với công cụ giác kế 3 trong 1, cô Hương đã đoạt giải C đồ dùng dạy học cấp huyện. Đồ dùng này hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong nhà trường.

 Vy Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Y Ngông Niê KĐăm - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên
Nơi ấy đã sinh ra một người con ưu tú như chàng Đam San dũng mãnh, thiết tha yêu quê hương, yêu cuộc sống buôn làng. Ông như cánh chim đại ngàn không mỏi, bay khắp đất trời quê hương cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho sự phát triển của Tây Nguyên giàu đẹp. Ông chính là Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê KĐăm.