Giáo dục con người tình yêu gia đình từ những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền
Đổi mới giáo dục bằng việc bắt đầu giáo dục con người “yêu gia đình” tiến dần lên tình yêu đồng bào, yêu Tổ quốc là phù hợp với quy luật hình thành tâm lý, hình thành nhân cách của mỗi con người. Tình yêu gia đình được gắn bó bởi huyết thống của nhiều thế hệ, được vun đắp bởi tình thương yêu máu mủ ruột thịt của mỗi thành viên trong suốt cuộc đời là cơ sở, nền tảng cho việc mở rộng, nâng tầm lên tình yêu đồng bào, yêu Tổ quốc…
Tết cổ truyền dân tộc là dịp thuận lợi để mỗi người tắm mình vào tình yêu gia đình, họ hàng, làng xóm, gắn kết nghĩa đồng bào bởi những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc đã có hàng ngàn năm.
Năm hết, Tết đến, người Việt Nam sống xa quê luôn nôn nao nỗi nhớ gia đình, quê hương, làng xóm. Đường xa, tàu xe cách trở, vợ con bồng bế lôi thôi, lếch thếch nhưng cũng cố về nơi chôn nhau cắt rốn nhìn lại bàn thờ ông bà, cha mẹ, đắp lại phần mộ những người sinh thành, dưỡng dục ra mình… “Về quê ăn Tết”, đối với tất cả người Việt Nam là trở về nguồn cội để cảm thông với ông bà, tổ tiên, với anh em họ hàng, với đồng bào thôn xóm. Những ai không thể về quê ăn Tết là một nỗi buồn to lớn. Họ đành hướng lòng mình về những người thân yêu không được gặp mặt, hình dung ra hình ảnh những nấm mộ cỏ xanh bao phủ cả năm mà rơi lệ vào giờ phút giao thừa…
Ba ngày Tết: mồng một, mồng hai, mồng ba là ba ngày gắn bó nhất giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng, làng xóm. Trong những gia đình có truyền thống hiếu học, sáng mồng một, thường có lễ khai bút, tức là người ta lấy giấy mực viết một bài thơ, một đoạn văn bộc lộ tình cảm, ý chí của mình.
Nhân dân ta có câu: “Mồng một thì ở nhà cha, mồng hai nhà mẹ (nếu ai đã có vợ thì đến cả nhà vợ), mồng ba nhà thầy” khẳng định sự gắn bó của con người với họ nội, họ ngoại và thầy học. Trong ba ngày Tết, mọi người đều sắp xếp công việc để có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, mặc đẹp. Người ta tránh nói tục, kiêng mắng chó, chửi mèo. Dù trong năm có những điều bất hòa, xích mích trong gia đình, làng xóm thì trong ba ngày Tết đều gác lại một bên, tình đoàn kết được đề cao. Bà con làng xóm thăm hỏi, chúc Tết nhau bằng những ngôn từ đẹp đẽ, thân tình, mong cho nhau: “làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái”, “sức khỏe, an khang, thịnh vượng”…
Trẻ em là những người được chiều chuộng nhất. Các em được mặc quần áo đẹp, tặng tiền “mừng tuổi”, cho quà bánh, cho vui chơi thỏa thích. Thanh niên nam nữ gặp nhau trong các hội xuân với các trò đánh đu, tung còn… không phân biệt nam nữ, tầng lớp khiến mọi người cảm thấy bình đẳng, thoải mái. Mỗi người có dịp khẳng định lại những quan hệ gắn bó với cộng đồng trong một bầu không khí thân thương.
Tết cổ truyền dân tộc có ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Tết là dịp để mỗi người thực sự được sống trong tình yêu của gia đình, tôn trọng của cộng đồng để từ đó hình thành, phát triển nhân cách. Tết là minh chứng cho quan điểm về hạnh phúc chân chính của con người: hạnh phúc không phải chỉ đến từ các giá trị vật chất mà chủ yếu từ các giá trị tinh thần.
Trong điều kiện hiện nay, Tết cổ truyền dân tộc còn góp phần ngăn cản sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình, trong cộng đồng và giao tiếp xã hội. Mặt khác, nó cũng khẳng định một điều là con người dù trong hoàn cảnh sinh hoạt còn thiếu thốn vẫn có thể tổ chức một cuộc sống đẹp, có văn hóa cao, chan chứa tình người trong cảnh đầm ấm, thân thương.
Trương Tử Kỳ
Ý kiến bạn đọc