Multimedia Đọc Báo in

Khắc nhớ tình thương của mẹ

09:15, 11/01/2014

Cuộc thi “Từ hình ảnh người mẹ, suy nghĩ về vai trò người phụ nữ Việt Nam trong gia đình” do ngành Giáo dục phát động đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc. Mỗi câu chuyện là một cuộc đời mà tác giả là nhân vật chính với những sẻ chia giản dị chan chứa tình yêu thương và lòng biết ơn vô hạn dành cho mẹ

Mẹ tôi!

Câu chuyện cuộc đời mẹ của cô giáo Nguyễn Thị Nhân, Trường THPT Buôn Ma Thuột (giải Nhì) khiến không khí tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi vừa diễn ra cuối tháng 12-2013 như lắng lại. Những ký ức của miền quê xưa cũ, của những năm tháng tuổi thơ theo đó ùa về nấc nghẹn. Chuyện là mười chín tuổi mẹ “về bên ấy” làm dâu theo lời hẹn ước của hai gia đình. Đám cưới diễn ra đơn giản và chóng vánh, vì ông nội vừa qua đời. Cuộc sống bên nhà chồng chẳng dễ chịu chút nào. Mọi việc lớn, nhỏ trong nhà đều do một mình mẹ gánh vác. Nếu như vợ của nhà thơ Tú Xương, quanh năm tảo tần buôn bán ở mom sông “nuôi đủ 5 con với một chồng”,  thì mẹ của cô giáo Nhân phải làm lụng vất vả để nuôi 10 con, một người chồng tàn tật và một mẹ chồng bị mù lòa. Cô giáo Nhân kể: “Trong một lần cưa vỏ đạn để làm ống xay trầu cho bà nội, ba đã mất đi cánh tay phải, cùng nhiều thương tật trên người. Thương ba, bà nội khóc suốt thời gian dài vì vậy cũng đã vĩnh viễn mất đi nguồn ánh sáng”. Song sự vất vả về thể xác nào có đáng gì, đau khổ là sự dày vò về tinh thần bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ khi mẹ liên tiếp sinh 2 con gái. Bất chấp sự đay nghiến, ghẻ lạnh của ba, mẹ chỉ biết giấu nước mắt vào chiếc gối. Bà nội hiểu và thương con dâu nhưng cũng không đủ sức để bảo vệ. Không một lời oán thán, mẹ thương bà nội nhiều hơn. Bởi từ nhỏ bà đã phải sống trong sự cay nghiệt của mẹ kế, lớn lên bị ép gả. Ông nội độc đoán, gia trưởng, vì vậy mẹ muốn bù đắp tình cảm với hy vọng xoa dịu vết thương trong lòng bà.

Mẹ đã tiếp thêm nghị lực để con
Mẹ đã tiếp thêm nghị lực để con "Giỏi việc trường, đảm việc nhà".

Cuộc sống mở ra một trang mới, mẹ đã có thể ngẩng cao đầu, trở thành “người đàn bà biết đẻ” khi sinh được con trai. Lần lượt 10 chị em của cô Nhân ra đời trong niềm hân hoan của ba “sinh nhiều con để có người nối dõi tông đường”. Cùng với đó là sự khốn khó đè nặng lên đôi vai mẹ. Có đến hằng tháng, mẹ không biết đến hạt cơm vì phải để dành cho các con! Thương mẹ, chị, em cô Nhân bảo ban nhau cố gắng học tập, đứa lớn dạy đứa nhỏ, một buổi đến trường, một buổi phụ giúp mẹ. Mẹ vui lắm, nhưng có lẽ hạnh phúc nhất là thấy các con khôn lớn, chăm ngoan, học giỏi. Giờ đây, các con đã trưởng thành, đôi vai mẹ vẫn trĩu nặng đôi quang gánh bất kể nắng, mưa. Mẹ bảo: “Mẹ không quen ngồi không, buôn bán vừa có đồng ra, đồng vào, vừa vui tuổi già chứ ngồi không thì buồn lắm”. Cô bé Nhân ngày nào giờ đã là cô giáo, là mẹ của những đứa con, càng hiểu rõ hơn tình yêu mẹ dành cho các con lớn lao nhường nào và càng yêu mẹ nhiều hơn…. Những lúc khó khăn hay vấp ngã tưởng chừng như bỏ cuộc, người đầu tiên cô Nhân nghĩ đến là mẹ. Nhờ có mẹ mà cô như được tiếp thêm nghị lực đứng dậy, vững bước trên đường đời.

Người con yêu nhất trên đời

Với cô giáo Nguyễn Thị Khiên, Trường THCS Buôn Trấp huyện Krông Ana (giải Nhất), bài viết là một sự tri ân đặc biệt dành cho mẹ hay nói đúng hơn là sự trải lòng với người mẹ quá cố. Cô thổ lộ: “Nếu có một điều ước, tôi ước mẹ mình còn sống ở trên đời, để được chăm sóc mẹ một chút cuối đời, để đỡ day dứt và cho lòng mình thanh thản”. Là út gái trong gia đình có 10 anh chị em, nên Khiên được ưu tiên cho đi học. Những tất bật của công việc, cuộc sống nơi vùng đất mới, thêm vào đó là điều kiện đi lại khó khăn thời bao cấp nên ít có dịp về quê thăm mẹ. Khi mẹ ốm cô cũng không về chăm được lấy một ngày, lúc mẹ ra đi mãi mãi cô lại không có mặt bên cạnh. “Mẹ ơi! Con cầu mong nơi chín suối linh hồn mẹ thanh thản bởi giờ đây con của mẹ đã trưởng thành và đã trở thành mẹ của những đứa con ngoan. Những gì tâm hồn mẹ chắt chiu, nuôi dưỡng đã được truyền lại trong con, đó là một người con hiếu thảo với bố mẹ chồng, một người vợ hết mực thủy chung, hết lòng yêu thương các con. Con đã có một tổ ấm hạnh phúc như hằng mong đợi”, cô Khiên trải lòng.

Cô giáo Nguyễn Thị Khiên chia sẻ qua bài viết: “Mẹ ơi! Thời con sống không như thuở xa ngái của mẹ, phải chịu cảnh cơm không đủ no, áo không đủ ấm nhưng các con vẫn yêu thương đùm bọc lẫn nhau, bà con làng xóm nặng nghĩa, trọng tình. Giờ đây, giữa xô bồ của cuộc đời, những giá trị tinh thần truyền thống, những thuần phong mỹ tục…dường như đang dần phai nhạt. Có những người chưa thật sự quý trọng việc xây đắp tổ ấm, đùa giỡn với hạnh phúc gia đình rồi lạnh lùng để “tan đàn xẻ nghé”. Giờ đây vai trò của phụ nữ đã được đề cao, đã có nhiều chị em thành đạt trong xã hội. Giỏi việc nước, còn việc nhà thì sao (?) là một câu hỏi khó. Có những người “say sưa” với công việc, với danh vọng cao sang mà quên đi thiên chức người vợ thủy chung, người mẹ hiền, người con hiếu thảo…Theo con, người phụ nữ thời đại mới cũng phải hội đủ các phẩm chất nhân hậu, đảm đang, cũng phải bản lĩnh và nghị lực phải không mẹ? Người phụ nữ phải luôn chủ động học hỏi, trang bị kỹ năng sống, trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu công việc của những chính trị gia xuất sắc, những doanh nhân thành đạt, những nhà nghiên cứu khoa học nhiệt huyết, những nghệ sĩ, diễn viên tài hoa, những vận động viên tài năng, những nông dân dám nghĩ dám làm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, nhưng cũng phải xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc bằng tình yêu thương, sự đảm đang và nghị lực phi thường khi đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống”.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.