Cơ hội cho thí sinh chọn ngành Khoa học cây trồng
Ngành khoa học cây trồng hiện đang được chú trọng đào tạo ở nhiều trường ĐH trong cả nước như: ĐH Nông nghiệp I, ĐH Cần Thơ, ĐH Tiền Giang, ĐH Tây Nguyên, ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh.
Theo TS Lê Hữu Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, ngành Khoa học cây trồng, trước kia gọi là ngành Trồng trọt. Ngành học này sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức về giống, kỹ thuật canh tác, đất - phân bón và bảo vệ thực vật một cách khoa học và hiện đại. Qua đó, sinh viên có thể áp dụng những kiến thức về khoa học cây trồng trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn và bền vững; chọn và nhân giống cây trồng cho năng suất cao và thích nghi với điều kiện sản xuất của địa phương. Đồng thời, canh tác cây trồng đạt năng suất - chất lượng và hiệu quả; khai thác và sử dụng đất, nguồn nước một cách hiệu quả; có khả năng quy hoạch và phát triển ngành trồng trọt theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.
Sản xuất nông nghiệp bền vững là hướng đi tất yếu của Việt Nam (Trong ảnh: Mô hình trồng rau hữu cơ ở TP. Buôn Ma Thuột) |
Theo TS Lê Hữu Hải, ngành Khoa học cây trồng vẫn giữ vai trò quan trọng và ngày càng phát triển do sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn giữ vai trò quan trọng, hơn 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn và gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, đất canh tác bị thu hẹp dần và dịch bệnh ngày càng phức tạp. Chúng ta đang từng bước tiến tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường. Do đó, cần nhiều lao động có trình độ trong lĩnh vực trồng trọt để có thể đưa nền nông nghiệp nước nhà lên một tầm cao mới.
Không như những ngành khác đòi hỏi người học phải có những năng khiếu, tố chất đặc thù mới có thể theo học, ngành Khoa học cây trồng chỉ đòi hỏi người học có tinh thần học tập tốt và yêu thích lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể là trồng trọt. “Chính sự yêu thích sẽ giúp sinh viên vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp, cũng như vượt qua quan niệm xã hội cho đây là ngành “chân lấm tay bùn” không cần có trình độ cũng làm tốt” – TS Lê Hữu Hải cho hay.
Về cơ hội nghề nghiệp, theo TS Hải: Khoa học cây trồng là một ngành tương đối rộng nên tùy vào sở thích và khả năng, sinh viên có thể tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực mình yêu thích nên khi tốt nghiệp sinh viên chắc chắn sẽ đáp ứng tốt yêu cầu công việc của các nhà tuyển dụng.
Nguồn GD&TĐ
Ý kiến bạn đọc