Multimedia Đọc Báo in

Dạy con biết nhận lỗi và sửa lỗi

19:37, 15/02/2014
Trong quá trình nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, việc hình thành nên những thói quen và đức tính tốt cho trẻ là điều hết sức quan trọng. Trong đó, giúp trẻ biết nhận lỗi và sửa lỗi với mọi người xung quanh cũng là điều mà các bậc cha mẹ cần quan tâm và lưu ý.

Khi còn nhỏ, trẻ luôn hiếu động, thích tò mò và muốn tìm hiểu mọi thứ xung quanh nên rất dễ mắc lỗi. Lúc này, trẻ cũng chưa hiểu và ý thức được từng câu nói hay hành động của mình gây ra là đúng hay sai, phải hay trái nên cha mẹ phải là người hiểu tâm lý con trẻ và uốn nắn kịp thời. Khi trẻ mắc lỗi, một số cha mẹ lại tỏ ra thờ ơ trong việc uốn nắn và giáo dục trẻ; có cha mẹ lại quát mắng thậm chí dùng đòn roi để cảnh cáo, răn đe trẻ. Điều này vô hình chung khiến trẻ dễ mang tâm lý sợ hãi hoặc đôi khi trở nên trơ lì, vô cảm thêm. Những lúc này, cha mẹ nên độ lượng, ân cần để chỉ ra những lỗi lầm của con trẻ. Như vậy hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn. Điều cần nhất ở một đứa trẻ là tình yêu thương và sự nghiêm khắc của cha mẹ khi dạy dỗ con cái.

Có quan niệm lại cho rằng, khi con mắc lỗi thì chỉ bắt trẻ nói lời xin lỗi là được, tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc bắt trẻ nói xin lỗi mà không giải thích lý do cho trẻ biết lỗi lầm là từ ai, do đâu thì trẻ sẽ không hiểu nguyên nhân cũng như ý nghĩa của lời xin lỗi. Vì thế, cha mẹ hãy giải thích rõ về việc tại sao con trẻ phải xin lỗi. Sau khi trẻ đã hiểu, cha mẹ hãy tiếp tục giải thích cho trẻ biết cách nhận lỗi và sửa lỗi bằng những câu nói nhẹ nhàng như: “Con hãy mạnh dạn xin lỗi nào”, “Con hãy hứa với mọi người là lần sau không mắc lỗi như thế nữa nhé!”... để làm được điều này đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và tinh tế từ cha mẹ, người thân.

Đôi lúc trẻ thường quên hoặc chưa nhận biết lúc nào thì cần xin lỗi và sửa lỗi. Chẳng hạn: có lúc trẻ chơi đùa thái quá mà vô tình làm vỡ ấm nước hay ly chén; trẻ thường bắt nạt những trẻ khác hoặc có lúc cha mẹ khuyên nhưng trẻ không chịu nghe lời, cãi lại; trẻ hay có tính nói leo… Cha mẹ hoặc những người thân trong gia đình nên nhắc nhở thường xuyên, đúng lúc, đúng chỗ cho trẻ. Đồng thời cần tập cho trẻ thói quen nhận lỗi và sửa lỗi bằng cách đưa ra những lời nói như: “Con vừa làm sai rồi đó”, “Con làm như này là không đúng lời cha mẹ dạy rồi”, “Ôi! con đã sai giờ con phải làm gì nhỉ?”, “Bố mẹ sẽ rất buồn nếu con không chịu nghe lời nhé!”...

Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ hay quan sát và bắt chước người lớn trong cách nói năng và cư xử. Vì thế, cha mẹ và những người bên cạnh cần là tấm gương mẫu mực cho con trẻ noi theo. Không những thế, mỗi khi trẻ biết nhận lỗi và sửa lỗi, cha mẹ hãy dành những lời khen ngợi hoặc biểu dương trẻ như: “Ôi, con mẹ giỏi quá! biết xin lỗi khi làm sai rồi đó!”, “Mẹ rất vui vì con biết nhận lỗi…

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc