Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS: Nhìn từ Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT

10:40, 28/02/2014

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2013-2014 tỉnh Dak Lak có 31 học sinh của 7 trường THPT đoạt giải, gồm: 4 giải Nhì, 15 giải Ba và 12 giải Khuyến khích. Trong đó Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng có 2 em đoạt giải bộ môn Lịch sử.

Như vậy, từ năm học 2008-2009 đến nay, Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng có 4 em đoạt giải học sinh giỏi quốc gia. Thành tích này thêm một lần nữa khẳng định sự nỗ lực của thầy và trò một trường đặc thù trong công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, xứng đáng là nơi đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ của tỉnh.

Tìm giải pháp trong phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi

Thầy Hoàng Nghĩa Đào, Hiệu trưởng trường chia sẻ: so với nhiều trường THPT trong tỉnh, công tác phát  hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi của trường PTDT Dân tộc nội trú N’ Trang Lơng gặp nhiều khó khăn. Trước hết là nguồn tuyển, bởi học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có những hạn chế nhất định về học lực nên công tác phát hiện học sinh có năng khiếu đặc biệt trong các môn học rất khó. Dẫu vậy, nhà trường xác định bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ quan trọng, là một cách thức để khẳng định thương hiệu. Vì vậy, hằng năm Trường đều xây dựng kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngoài phân công nhiệm vụ cho các giáo viên bộ môn, Ban Giám hiệu trường còn chọn những giáo viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết phụ trách chính công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Với đặc thù của một trường chủ yếu là học sinh DTTS, nhà trường đã có giải pháp lựa chọn, bồi dưỡng học sinh từ lớp 10, lớp 11; tổ chức thi học sinh giỏi cấp trường, sau đó lọc dần để chọn đội tuyển dự thi cấp tỉnh, quốc gia. Trường chỉ dồn sức cho những bộ môn có lợi thế như: Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý, Anh văn, Sinh học, Thể  dục và máy tính cầm tay. Bên cạnh đó, nhà trường liên tục động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên tích cực phát hiện nguồn học sinh giỏi, từ đó có chương trình bồi dưỡng dài hạn để học sinh có khả năng tham gia đạt kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục mũi nhọn của trường không ngừng nâng lên trong những năm gần đây. Năm học 2010-2011 trở về trước, mỗi năm Trường chỉ có từ 2 đến 6 em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thì năm học 2011-2012 đến nay, mỗi năm có 12 em đoạt giải. Về thi chọn học sinh giỏi quốc gia, từ năm học 2008-2009 đến nay, học sinh Trường THPT Dân tộc N’Trang Lơng liên tục được xướng tên tại các Lễ trao giải và phát thưởng học sinh giỏi quốc gia do UBND tỉnh tổ chức. Càng vui mừng hơn, tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm nay, em Mông Thị Bích Vân (dân tộc Nùng) đoạt giải Ba môn Lịch sử và em Lý Đại Hùng (dân tộc Dao) đoạt giải Khuyến khích, còn các  năm học trước chỉ dừng lại ở giải Khuyến khích.

Trường THPT Dân tộc nội trú N'Trang Lơng đặc biệt quan tâm công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Trường THPT Dân tộc nội trú N'Trang Lơng đặc biệt quan tâm công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Tạo hứng thú cho các em trong học tập

Xuân Giáp Ngọ đến với cô giáo Từ Thị Hồng Hạnh, phụ trách công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng với nhiều niềm vui, khi 2 học sinh lớp 12 trong đội tuyển quốc gia đều đoạt giải. Càng tự hào hơn cả 4 học sinh đoạt giải quốc gia của Trường trong những năm qua đều là học sinh do cô Hạnh phát hiện, bồi dưỡng. Rất khiêm tốn, cô Hạnh chia sẻ: có một thực tế, năng lực học tập của học sinh DTTS hạn chế, không ít em có tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin. Bên cạnh đó, không ít học sinh không hứng thú với môn Lịch sử. Trăn trở nhiều, cô Hạnh quyết định, trước tiên phải giúp các em yêu thích môn học, sau đó mới tính đến chuyện bồi dưỡng học sinh giỏi. Mỗi tiết học cô Hạnh đều dành một ít thời gian kể cho học sinh nghe những câu chuyện lịch sử liên quan đến bài học, về những người thành đạt học chuyên ngành Lịch sử. Thông qua những câu chuyện kể, cô Hạnh nhắn nhủ với các em: Lịch sử không phải là môn học phụ, học tốt môn Lịch sử có thể đăng ký dự thi đại học nhiều ngành và không hiếm người thành danh ở môn học này vì có niềm đam mê và thích tìm hiểu, khám phá lịch sử. Từ chỗ không hứng thú với môn Lịch sử, các em đã yêu thích môn học này hơn. Bằng chứng, hằng năm số học sinh đăng ký ôn thi đại học và làm hồ sơ đăng ký dự thi vào các chuyên ngành có môn Lịch sử chiếm gần 1/3 học sinh khối lớp 12. Chưa hết, nhiều em học giỏi đều ở các bộ môn, sau khi nghe cô giáo giải thích, định hướng nghề nghiệp đã chọn thi môn Lịch sử và đã đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi.

Mới nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế, công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường đặc thù vô cùng vất vả bởi những rào cản về quan niệm, văn hóa, tâm lý.... Do đó không chỉ truyền hứng thú cho các em với môn học, cô Hạnh còn gần gũi, động viên các em vượt lên chính mình trên con đường chiếm lĩnh tri thức. Phần thưởng của cô giáo dành cho học sinh trong những buổi bồi dưỡng học sinh giỏi là cô trò cùng nhâm nhi vị ngọt của những chiếc kẹo, cái bánh, hộp sữa chua… Trên hết những món quà nhỏ này là tình cảm của cô dành cho học trò, là niềm đam mê với nghề, như đại văn hào Macxim Goocki khái quát: “tài năng, nói cho cùng là tình yêu đối với công việc”. Chính vì vậy, việc tạo hứng thú học tập cho người học là một trong những yêu cầu nhất thiết đối với việc dạy học, cô Hạnh dí dỏm nói.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.