Multimedia Đọc Báo in

Tuyển sinh đại học, cao đẳng: Thí sinh cần chú ý ngay từ khâu làm hồ sơ

19:20, 13/03/2014
Từ 2014, bên cạnh phương án thi 3 chung do Bộ GD-ĐT tổ chức, các trường có thể tự tổ chức tuyển sinh riêng theo đề án đã được Bộ duyệt.
 
Bộ GD-ĐT mới ban hành quy định hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay bao gồm: 1 túi hồ sơ và 2 phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) có đánh số 1 và 2; 3 ảnh chụp theo kiểu chứng minh thư cỡ 4x6cm có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của thí sinh ở mặt sau (1 ảnh dán trên túi đựng hồ sơ, 2 ảnh nộp cho trường); bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có).
 
Những thí sinh là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế và con của người có công giúp đỡ cách mạng cần phải có bản sao hợp lệ (đã công chứng) giấy chứng nhận để hưởng ưu tiên, gồm: Quyết định trợ cấp, phụ cấp đối với người có công của cơ quan có thẩm quyền.
 
Trong hồ sơ phải có 3 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để các Sở GD-ĐT gửi giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi và giấy báo trúng tuyển. Đối với thí sinh là đối tượng tốt nghiệp trung cấp nghề (hệ THCS) phải có xác nhận đã học đủ khối lượng và thi đạt các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh riêng cần có: Bản sao hợp lệ các giấy tờ theo yêu cầu của trường tổ chức tuyển sinh riêng.
 
Quy chế tuyển sinh CĐ, ĐH mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành cũng bổ sung yêu cầu các trường in 3 giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ cho thí sinh. Giấy chứng nhận kết quả thi chỉ cấp 1 lần và đóng dấu đỏ của trường. Trường hợp thí sinh để mất thì không được cấp lại giấy này mà chỉ được cấp giấy xác nhận điểm thi.
 
Bộ GD-ĐT cũng quy định nguyên tắc tuyển nguồn vào chung cho các trường tuyển sinh riêng. Trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí bảo đảm chất lượng do Bộ GD-ĐT quy định, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển.
 
Theo đó, các trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường dự bị ĐH được phân về trường); căn cứ vào thống kê điểm do máy tính cung cấp đối với các đối tượng và khu vực dự thi; căn cứ vào quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển; căn cứ tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định,
Ban Thư ký trình Hội đồng tuyển sinh trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển.
 
Các trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành đào tạo tương ứng với các khối thi. Căn cứ kết quả thi của thí sinh, Bộ GD-ĐT sẽ xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học ĐH, CĐ đối với từng khối thi, từng ngành đào tạo.
 
Sau khi công bố phương án điểm trúng tuyển, các trường công bố danh sách thí sinh trúng tuyển; công bố chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu còn chỉ tiêu để xét tuyển), gửi các Sở GD-ĐT giấy triệu tập đối với thí sinh trúng tuyển, giấy chứng nhận kết quả thi trong đó ghi rõ kết quả thi của thí sinh (có đóng dấu đỏ của trường) đối với tất cả các thí sinh còn lại, kể cả thí sinh thi năng khiếu để các Sở GD-ĐT chuyển cho thí sinh. Đối với thí sinh có nguyện vọng học tại trường không tổ chức thi, trường tổ chức thi có nhiệm vụ in và gửi giấy báo dự thi, tổ chức thi, chấm thi.
 
Trước ngày 10-8 hằng năm, trường tổ chức thi sẽ in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường, phiếu báo điểm và dữ liệu kết quả thi cho trường không tổ chức thi để các trường này xét tuyển. Trường không tổ chức thi gửi giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển, giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm cho Sở GD-ĐT để các Sở GDĐT gửi cho thí sinh.
 
Những trường có ngành năng khiếu, nếu không tổ chức thi vào những ngành này, được xét tuyển thí sinh trong vùng tuyển, đã dự thi vào ngành đó tại trường khác có thi môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.
 
Các chi tiết liên quan đến điều kiện xét tuyển và thời gian xét tuyển được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử về tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31-10 hằng năm đối với trường ĐH và 15-11 hằng năm đối với trường CĐ.
 
Thí sinh và người nhà cần nắm chắc, nắm đủ những điều kiện về thủ tục làm hồ sơ tuyển sinh để hạn chế tới mức thấp nhất những sai sót không đáng có. Đồng thời nghiên cứu kỹ càng các tiêu chí xét tuyển của những trường tuyển sinh riêng tránh những kiện cáo do không hiểu đúng, và không để xảy ra thiệt thòi cho chính mình.
 
Nguồn Chinhphu
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.