Multimedia Đọc Báo in

Đừng tạo thêm áp lực thi cử cho con

14:33, 28/05/2014
Chỉ còn vài tuần nữa học sinh khối lớp 12 sẽ bước vào 2 kỳ thi quan trọng là trung học phổ thông (THPT) và đại học (ĐH). Với những thay đổi của Bộ GD-ĐT về phương thức thi đã giảm áp lực nhiều cho thí sinh.

Theo phân tích của một số thầy, cô giáo tâm huyết, năm nay học sinh khối lớp 12 có đến hai lần lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Lần thứ nhất là đăng ký 2 môn thi tốt nghiệp THPT tự chọn và lần thứ 2 là đăng ký dự thi ĐH, cao đẳng (CĐ). Nói là hai lần lựa chọn, nhưng thật ra cũng chỉ là một, bởi Bộ GD-ĐT đổi mới phương thức thi tốt nghiệp chỉ còn 4 môn thi thay vì 6 môn như nhiều năm trước. Quyền chọn môn thi theo sở trường, năng lực học tập đã được trao cho học sinh, đồng nghĩa với việc các em được thêm một lần cân nhắc, lựa chọn ngành nghề kỹ càng hơn trước khi đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Chính điều này đã góp phần làm giảm đáng kể lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của năm nay. Toàn tỉnh có gần 39 nghìn hồ sơ đăng ký dự thi  ở 234 trường ĐH, CĐ trong cả nước, giảm 8.439 hồ sơ (gần 20%) so với năm 2013. Đây là điều đáng mừng, bởi học sinh đã định hướng nghề nghiệp tốt hơn, thay vì nộp hồ sơ vào nhiều trường, các em lựa chọn một trường phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện kinh tế của gia đình, hơn nữa lệ phí đăng ký dự thi cũng cao hơn mọi năm, khiến học sinh phải cân nhắc kỹ khi chọn trường.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Ea Súp trong giờ  tư vấn hướng nghiệp.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Ea Súp trong giờ tư vấn hướng nghiệp.

Mùa thi đang đến gần, xin lạm bàn đôi điều về chuyện học hành, áp lực thi cử, chọn ngành, nghề… của các em trước tác động của gia đình, xã hội. Không thể phủ nhận, vài năm trở lại đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đã được nâng lên đáng kể, thậm chí có năm đỗ xấp xỉ 100%. Để đạt được kết quả này, các em đã chịu nhiều sức ép về học tập từ phía nhà trường và gia đình. Không bàn sâu về chất lượng dạy-học, nhưng thí dụ rằng, mỗi năm có khoảng 1% trong tổng số trên 20 nghìn học sinh lớp 12 của tỉnh rớt tốt nghiệp, con số này không ảnh hướng nhiều đến thành tích của địa phương, nhưng xét về góc độ gia đình, tâm lý học sinh, nếu thi rớt tốt nghiệp là một sự thất bại hoàn toàn. Sự thất bại này không phải gia đình, học sinh nào cũng chấp nhận được, bởi tâm lý sính bằng cấp của xã hội quá nặng nề với suy nghĩ ĐH là con đường lập thân duy nhất.

Còn nhớ, trong một đợt tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh khối lớp 12 tại một số trường gần đây, không ít em đã chia sẻ với các chuyên gia tâm lý: Bố mẹ bắt phải thi ĐH với lời đe doạ: "Không đỗ thì đừng có trách!" khiến các em mệt mỏi, lo lắng. Cha mẹ nào lại chẳng mong cho con em mình đỗ ĐH, có một chỗ làm ổn định, với mức thu nhập kha khá, nhưng dường như các bậc phụ huynh lại quên rằng, mỗi người có một năng lực học tập, khả năng tư duy khác nhau nên chuyện rớt hay đỗ trong khoa cử, xét cho cùng cùng cũng là chuyện bình thường. Với những cởi mở trong chính sách giáo dục hiện nay, có nhiều con đường để chinh phục đỉnh cao tri thức và thành đạt trong xã hội. Các em vẫn có thể học ĐH khi chưa hoàn thành chương trình THPT bằng cách vừa học vừa làm, và không hiếm người  bằng cách ấy đã thi đỗ tốt nghiệp bổ túc THPT rồi tiếp tục học liên thông lên ĐH,CĐ thành công. Vả lại trong xã hội hiện nay cũng đâu hiếm người thành đạt mà không cần phải đi qua con đường ĐH.

Với những phân tích trên, thiết nghĩ phụ huynh không nên  tạo thêm áp lực buộc con mình phải thi đỗ ĐH bằng mọi giá. Bằng cấp chỉ là tấm giấy thông hành, sự nỗ lực chịu thương, chịu khó của con người mới là cần thiết. Báo cáo  gần đây của cơ quan chức năng cho thấy: có hơn 30% sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm; ĐH thất nghiệp nhiều hơn cả lao động tự do (có đến 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp). Nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng ngành, nghề đào tạo, vì vậy có người tiếp tục học văn bằng 2, hoặc trung cấp để tìm một nghề, thậm chí có người đi làm các công việc giản đơn như bán hàng, tiếp thị, giữ trẻ… là những điều rất đáng suy nghĩ. Và thay vì tạo áp lực trước mỗi mùa thi, các bậc phụ huynh hãy chuyển thành động lực giúp con “vượt vũ môn” và thực hiện ước mơ của mình trong tâm trạng thoải mái!

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc